Đảm bảo yếu tố thị trường để thực hiện thoái vốn hiệu quả

Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp trao đổi với phóng viên TTXVN về những giải pháp cần có để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đảm bảo yếu tố thị trường để thực hiện thoái vốn hiệu quả ảnh 1(Ảnh minh họa: Thế Anh/TTXVN)

Nhiệm vụ mà Thủ tướng Nguyến Tấn Dũng giao cho các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước đến cuối năm phải cơ bản hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đặt ra khá nặng nề.

Xoay quanh câu chuyện này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp-Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương về những giải pháp cần có để đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

- Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là giá trị thu về cao hơn giá trị thực tế trên sổ sách. Kết quả này cho thấy điều gì thưa ông?

Ông Bùi Văn Dũng: Kết quả này cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ, các bộ, các ngành cũng như của các tập đoàn, tổng công ty.

Đây vừa là quyết tâm, vừa là kết quả từ những hành động cụ thể của các tổ chức có liên quan đưa ra những giải pháp đôn đốc hết sức cụ thể, xác định trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng, từng cá nhân để thu được những kết quả đáng khích lệ đó.

- Nghị quyết phiên họp Chính phủ vừa qua đưa ra các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; trong đó có những biện pháp đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cụ thể là thoái vốn theo lô. Vậy theo ông, những biện pháp này sẽ có tác động như thế nào tới công tác thoái vốn?

Ông Bùi Văn Dũng: Trong thời gian vừa qua, việc thoái vốn đã được thực hiện theo quy định chung, bán trên thị trường chứng khoán theo những món nhỏ phù hợp và theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh được việc thoái vốn trong điều kiện một số nhà đầu tư có tiềm lực muốn được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc nắm giữ một số lượng vốn tương đối lớn thì việc bán theo lô là việc cần thiết xuất phát nhu cầu thực tiễn. Có như thế mới tạo điều kiện cho cung cầu gặp nhau.

Tôi cho rằng đây là những giải pháp phù hợp thúc đẩy quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

- Để đảm bảo thoái vốn Nhà nước hiệu quả, việc tìm ra nhà đầu tư chiến lược rất quan trọng. Xin ông cho biết, xoay quanh vấn đề này có gặp vướng mắc gì không và cần làm gì để tháo gỡ?

Ông Bùi Văn Dũng: Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về 6 lĩnh vực, đó là chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Nghị định 59/2011/NĐ-CP tuy rằng đã xác định những tiêu chí về nhà đầu tư chiến lược, ví dụ như có năng lực tài chính hoặc tiêu chí gắn bó lợi ích lâu dài song chưa thật rõ, có chăng chỉ là nhà đầu tư chiến lược không được bán cổ phần trong thời hạn 5 năm kể từ khi trở thành nhà đầu tư chiến lược.

Hay tiêu chí hỗ trợ thì chỉ quy định nhà đầu tư có cam kết hỗ trợ 1 trong 6 lĩnh vực nhưng không nói rõ mức độ, ví dụ như hỗ trợ về chuyển giao công nghệ như thế nào, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực ra làm sao hoặc nâng cao năng lực tài chính đến mức nào hay quản trị doanh nghiệp ra sao cũng như là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp được giao trách nhiệm trình cơ quan trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Thế nhưng, chưa đưa ra được những nguyên tắc, cụ thể hóa những tiêu chí sẽ rất khó khăn trong xác định thế nào là cổ đông, nhà đầu tư chiến lược cũng như định lượng cho phù hợp với các loại hình doanh nghiệp.

Tôi lấy ví dụ những doanh nghiệp ở lĩnh vực bia rượu chẳng hạn, rõ ràng thị trường tiêu thụ là ở trong nước, lợi nhuận tương đối cao, khi thực hiện cổ phần hóa thì mức độ đòi hỏi có cần phải là chiếm lĩnh thị phần nước ngoài hay không.

Với doanh nghiệp yếu công nghệ thì yếu tố công nghệ rất cần hoặc cũng có một số doanh nghiệp nhà nước cần nhà đầu tư chiến lược mạnh về tiềm lực tài chính, hay có doanh nghiệp thì cần yếu tố quản trị.

Vì thế, cần phải tính đến những đặc thù ngành nghề để xác định được những nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để tìm chọn nhà đầu tư chiến lược cho phù hợp với mục tiêu phát triển, thực trạng của doanh nghiệp.

Từ những tiêu chí chung cho nhà đầu tư chiến lược cần có hướng dẫn cụ thể bám sát theo đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực, theo thực trạng cũng như mục tiêu của doanh nghiệp cần thúc đẩy cái gì.

Có lẽ do chưa cụ thể hóa được đến mức như vậy nên trong thời gian vừa qua một số tập đoàn, tổng công ty lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa thật đạt mục tiêu.

Ví dụ như một số phương án cổ phần hóa tổng công ty 91 vừa rồi hầu hết những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn như các ngân hàng lớn đăng ký là cổ đông chiến lược. Hay như Vingroup muốn là cổ đông chiến lược của dệt may chẳng hạn.

Điểm thứ hai cần đảm bảo yếu tố cung cầu của thị trường, lợi ích của từng bên tham gia, mục đích đạt được sau những thương vụ như thế là gì.

Theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP, đối với trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.

Trong trường hợp này, với doanh nghiệp không hấp dẫn, nếu giữa giá sàn với giá bán trên thị trường chênh nhau không đáng kể thì có gì là ưu đãi không.

Bởi thế, cần có những ưu đãi cho nhà đầu tư chiến lược cũng như tạo ra sự tương xứng giữa ưu đãi với nghĩa vụ, cam kết mà nhà đầu tư đem lại cho doanh nghiệp.

Thậm chí theo tôi có thể bán cho nhà đầu tư chiến lược dưới giá thành hoặc dưới giá thấp nhất. Tuy nhiên, cái này đòi hỏi phải được tính toán kỹ càng đi liền với cam kết của nhà đầu tư để sau này thu được lợi ích lớn hơn. Đề xuất này có thể khó thực hiện nhưng cũng cần tính đến trong trường hợp đặc biệt.

Đây là những khoảng trống cần làm rõ. Nếu chưa làm rõ được sẽ khó tạo ra hấp dẫn, không tạo ra lợi ích tương xứng cho từng bên, hoặc có thể là khe hở trong quá trình thực hiện. Khung hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn sẽ dễ cho khâu thực hiện và giúp tìm được cổ đông, nhà đầu tư chiến lược đích thực hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.


- Cùng với đó, ở góc độ thực thi cần phải làm gì để quá trình thoái vốn đẩy nhanh và thu được kết quả thực sự? Ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu có sức nặng như thế nào trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thưa ông?

Ông Bùi Văn Dũng: Để tránh những biến tướng, phát sinh không đáng có trong quá trình thực hiện thì ngoài việc đôn đốc thực hiện cần phải chú trọng đến khâu kiểm tra giám sát.

Còn về trách nhiệm của người đứng đầu thì nguyên tắc trong tổ chức bộ máy, nguyên tắc quản lý kinh tế phải xác định được chủ thể thực hiện để có giải pháp khuyến khích tạo động lực cũng như có những chế tài thưởng phạt.

Cá nhân có vai trò rất lớn trong vận hành tổ chức, thúc đẩy hành động mà ở đây là vai trò quan trọng của người đứng đầu.

Chính phủ đưa ra mục tiêu về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đại diện chủ sở hữu nếu nếu không đạt được nhiệm vụ trọng tâm đó thì phải chịu chế tài kỷ luật - đó chính là sức ép. Tôi cho đấy là tác động hết sức quan trọng để người đứng đầu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho tốt.

Người đứng đầu có thể là Người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện chuyên trách Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp; Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách hay Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp.

Với đối tượng thứ nhất đã có giải pháp xử lý, cần lưu tâm tới nhóm đối tượng thứ hai là đối tượng có vai trò rất lớn đồng thời có ràng buộc với các bộ ngành khác như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục