Đảm bảo tính khoa học, khả thi khi tích hợp chương trình giáo dục

Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài.
Đảm bảo tính khoa học, khả thi khi tích hợp chương trình giáo dục ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Thông tư quy định chi tiết việc tích hợp chương trình giáo dục của Việt Nam với chương trình giáo dục của nước ngoài; nội dung giáo dục, đào tạo bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học có vốn đầu tư nước ngoài.

Tích hợp chương trình giáo dục phù hợp điều kiện Việt Nam

Thông tư quy định nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục phải bảo đảm tính khoa học, hợp lý, khả thi và phù hợp điều kiện thực hiện tại Việt Nam.

Nội dung, thời lượng chương trình giáo dục tích hợp phải phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam; không có định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, địa vị xã hội.

Chương trình giáo dục tích hợp phải có định hướng về phương pháp, hình thức giáo duc và đánh giá kết quả giáo dục, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Đồng thời, phải có quy định điều kiện thực hiện, bao gồm: tổ chức và quản lý thực hiện chương trình; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.

[Bộ Giáo dục khuyến cáo lưu học sinh cân nhắc việc về Việt Nam]

Đối với giáo dục mầm non, chương trình giáo dục tích hợp phải được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo duc mầm non của Việt Nam, bổ sung các lĩnh vực phát triển, nội dung, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục mầm non nước ngoài mà chương trình của Việt Nam không có; tích hợp các lĩnh vực phát triển có trong cả hai chương trình để bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục Việt Nam và chương trình giáo dục của nước ngoài.

Đối với giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục tích hợp cũng phải được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, bổ sung các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông nước ngoài mà chương trình của Việt Nam không có; tích hợp các môn học có trong cả hai chương trình.

Các nội dung giáo dục bắt buộc

Thông tư lần này cũng quy định nội dung giáo dục bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam học tập trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài.

Người học là công dân Việt Nam học tập chương trình giáo dục nước ngoài trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài phải học nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chương trình Tiếng Việt, chương trình Việt Nam học.

Học sinh mầm non phải được học tập nội dung giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt nhằm giúp các cháu hình thành vốn từ vựng và có khả năng sử dụng tiếng Việt phù hợp với lứa tuổi, có khả năng lắng nghe, nói, sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày và làm quen với việc đọc và viết bằng tiếng Việt. Thời lượng không ít hơn 2 lần/tuần, mỗi lần từ 25-35 phút.

Học sinh tiểu học phải được học nội dung chương trình tiếng Việt và chương trình Việt Nam học. Nội dung chương trình tiếng Việt giúp học sinh hình thành và phát triển vốn từ vựng và các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp phù hợp với lứa tuổi; cung cấp cho học sinh những kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa và con người Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần, học ở tất cả các khối lớp tiểu học.

Nội dung chương trình Việt Nam học giúp học sinh hiểu biết cơ bản về các sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu và những truyền thống, phong tục, tập quán Việt Nam; hiểu biết đơn giản về vị trí địa lý, lãnh thổ, lãnh hải... của Việt Nam, qua đó giúp học sinh hình thành tình yêu quê hương, đất nước và lòng tự hào dân tộc. Thời lượng không ít hơn 70 phút/tuân, học từ lớp 4 đến hết lớp 5.

Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông phải được học tập nội dung chương trình Việt Nam học nhằm cung cấp kiến thức phổ thông, cơ bản, hiện đại, có tính hệ thống về lịch sử, địa lí, văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của Việt Nam. Thời lượng không ít hơn 90 phút/tuần.

Việc tổ chức dạy học đối với các nội dung giáo dục bắt buộc phải bảo đảm giáo viên là người Việt Nam, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngôn ngữ dạy học là tiếng Việt.

Thông tư cũng quy định công dân Việt Nam học chương trình đào tạo được cấp bằng của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải học các môn học bắt buộc theo quy định chung đối với các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục