Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 1/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham dự phiên họp.
Tờ trình dự thảo Luật nêu rõ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện hành được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/1999.
Luật ra đời là cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của mình.
Với vị trí là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, thông qua việc góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, tham gia tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước...
Tuy nhiên trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện Đại hội X, XI của Đảng và các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung.
Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) gồm Phần mở đầu, 9 chương, 42 điều, tăng thêm 5 chương, 24 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã được sửa đổi, bổ sung hầu hết các điều, chỉ giữ lại hai điều (Điều 5, nay là Điều 5 mới; Điều 8, nay là Điều 20 mới).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận trong thời gian tới.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn các cơ chế để mặt trận thực hiện các nhiệm vụ; làm rõ hơn cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội; quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các thành viên của Mặt trận; phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này với các luật chuyên ngành có liên quan; xác định rõ những nội dung cần quy định trong Luật, những nội dung quy định trong Điều lệ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Bàn về Lời nói đầu, theo Tờ trình, dự thảo Luật kế thừa đoạn Mở đầu của Luật hiện hành nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mối quan hệ với Đảng, với nhân dân; sự kế tục truyền thống vẻ vang qua các thời kỳ lịch sử và trách nhiệm của Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay; đồng thời, có sửa đổi, bổ sung nhằm thể hiện rõ hơn vai trò của Mặt trận.
Quan điểm của cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc không nên có đoạn Mở đầu để bảo đảm thống nhất về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản luật; trường hợp cần nhấn mạnh vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì nên được thể hiện thành các nội dung điều khoản trong Luật.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với vai trò, vị trí đặc biệt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị thì nên có Lời nói đầu.
Trên cơ sở tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, quy định về tổ chức, hoạt động, quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước; điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bổ sung, thể chế hóa sự phối hợp hành động và quan hệ giữa các tổ chức thành viên với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thảo luận về nội dung giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị quy định nội dung này trong dự thảo Luật cần bám sát Quyết định về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội; cách thể hiện cần đảm bảo tính khả thi của quy định này.
Tại phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về: Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư; hệ thống tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cơ quan của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…/.