Ngày 8/7, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội thảo về một số nội dung của Dự án Luật căn cước công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa và Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội thảo.
Dự án Luật căn cước công dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, đã được đưa ra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa 13 vừa qua. Dự án này đã nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu xung quanh các nội dung: cơ sở dữ liệu căn cước công dân và mối quan hệ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thủ tục, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo đánh giá tác động toàn diện của dự án luật trên các phương diện kinh tế, xã hội, nhất là nguồn lực về tài chính, công nghệ.
Tại hội thảo, các ý kiến đều khẳng định, việc ban hành Luật là cần thiết và phù hợp, thực hiện cấp chứng minh thư nhân dân theo quy định của dự thảo Luật là một bước đột phá quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tủ, tạo điều kiện dễ dàng hơn trong công tác quản lý dân cư và nhiều thuận lợi tối đa cho người dân khi tham gia thực hiện các giao dịch và các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cũng cần phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng tính thống nhất của dự án này với hệ thống các văn bản pháp luật khác, tránh mâu thuẫn trùng lắp, chồng chéo với các Luật Cư trú, Luật Hộ tịch, bảo đảm Luật có tính khả thi cao khi thi hành.
Các đại biểu đã thảo luận các quy định của dự thảo luật về số định danh cá nhân, việc cấp số định danh cá nhân, tập trung làm rõ thực tiễn về việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về việc cấp giấy chứng minh nhân dân 12 số theo mẫu mới và 9 số theo mẫu hiện hành.
Đại diện Bộ Công an cho biết, sau khi tổng hợp và phân tích các ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật, nên giữ nguyên tên gọi chứng minh thư nhân dân và không sử dụng tên gọi thẻ căn cước công dân, bởi tên gọi chứng minh thư nhân dân đã gắn liền với người dân hơn 40 năm qua, và việc sử dụng tên gọi này sẽ tránh được những việc lãng phí và sửa đổi các giao dịch, giấy tờ, thủ tục hành chính mà người dân đã thực hiện trước đây.
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ quan tâm chính đến kinh phí triển khai việc cấp số định danh cá nhân, xây dựng kho dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp chứng minh thư nhân dân theo mẫu mới, áp dụng khoa học công nghệ trong chứng minh thư nhân dân./.