Đảm bảo tính đại diện trong thành phần Cơ quan nhân quyền quốc gia

Việt Nam cần đảm bảo tính đại diện trong thành phần của Cơ quan nhân quyền quốc gia nhằm đảm bảo các quyết định của cơ quan này là khách quan, công bằng và đa chiều.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Cơ quan nhân quyền quốc gia, thực tiễn quốc tế và bài học kinh nghiệm với Việt Nam,” với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực quyền con người.

Tại hội thảo, nhấn mạnh đến vai trò, chức năng của Cơ quan nhân quyền quốc gia, tiến sỹ Chu Mạnh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật cho rằng, việc lựa chọn mô hình Cơ quan nhân quyền quốc gia tùy thuộc vào hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội của các quốc gia.

Kinh nghiệm các nước cho thấy không có một mô hình chung cho tất cả các quốc gia. Việt Nam cần chắt lọc kinh nghiệm các nước và xác định rõ nhu cầu và hoàn cảnh của đất nước để lựa chọn mô hình hợp lý nhất.

Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam và tham khảo kinh nghiệm của một số nước, nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó Trưởng Bộ môn Công pháp quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, Việt Nam cũng cần đảm bảo tính đại diện trong thành phần của Cơ quan nhân quyền quốc gia, điều này giúp đảm bảo các quyết định của Cơ quan nhân quyền quốc gia là khách quan, công bằng và đa chiều.

Dù thành lập Cơ quan nhân quyền theo hình thức nào, phạm vi thẩm quyền ra sao thì hoạt động của các Cơ quan nhân quyền phải nằm trong tổng thể chung hoạt động của các cơ quan nhà nước khác nhằm bảo vệ tốt hơn quyền con người.

Phó giáo sư-tiến sỹ Hoàng Văn Nghĩa, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để thực hiện tốt hơn nữa việc bảo vệ nhân quyền, cần có một cơ quan đặc trách về vấn đề này. Một cơ quan như vậy cần được tổ chức dựa trên các quy định và thông lệ quốc tế, song phải đảm bảo giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò lãnh đạo của Đảng.

Để thành lập một cơ quan như vậy phải có lộ trình chuẩn bị từng bước về cơ sở pháp lý, nhân sự và điều kiện hoạt động.

Hội thảo là diễn đàn thực sự trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực quyền con người. Những ý kiến đề xuất tại hội thảo sẽ là nguồn tham khảo có giá trị khoa học cao cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp nhận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục