Đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết về phát triển Đồng bằng sông Hồng

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Hà Nội.
Đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết về phát triển Đồng bằng sông Hồng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW đã diễn ra chiều 17/5 tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã công bố các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW; công bố danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; báo cáo công tác chuẩn bị và triển khai Đề án.

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nêu rõ Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, Kết luận số 13-KL/TW, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 3/2022.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế-xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có thủ đô Hà Nội. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; có vị trí rất thuận lợi, hội tụ nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội; là trung tâm hàng đầu về khoa học công nghệ; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước.

Vùng có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, tốt nhất cả nước gồm cả đường bộ, đường biển, đường sông, hàng không, đường sắt, trong đó thành phố là Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển..., thuận lợi trong gắn kết các địa phương trong vùng và với các địa phương khác trong cả nước cũng như với các quốc gia trong khu vực và thế giới; là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

[Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng]

Đồng bằng sông Hồng là vùng đất lịch sử lâu đời của người Việt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước với nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có lịch sử hàng ngàn năm gắn liền với những chiến công hào hùng, oanh liệt trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp...

Những năm qua, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW với mục tiêu đặt ra là: “Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức và chủ động hội nhập quốc tế; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh…."

Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận, các cơ chế, chính sách nhằm tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa bàn thông qua các quy hoạch, kế hoạch, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án lớn...

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói chung và các địa phương nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng-an ninh và quan hệ quốc tế; vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước được phát huy.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng đạt khá cao, quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng và ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, nhiều địa phương trong vùng đã nỗ lực vươn lên và trở thành những điểm sáng của cả nước.

Tiềm năng, lợi thế vùng được phát huy hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong Vùng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề phát sinh trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.

Đảm bảo tiến độ tổng kết Nghị quyết về phát triển Đồng bằng sông Hồng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trưởng ban Kinh tế Trung ương chỉ rõ việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả tổng kết Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết mới về phát triển vùng nhằm cụ thể hóa các quan điểm và định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng các địa phương, nhiệm kỳ 2020-2025; đưa ra các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và thực tiễn phát triển vùng.

Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo tham gia ý kiến đối với Kế hoạch xây dựng Đề án; phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, dự thảo Đề cương Báo cáo tổng kết và Đề cương báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ở các địa phương.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đều đồng tình, nhất trí cao với những nội dung và kế hoạch xây dựng đề án; cho rằng việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển vùng trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến rất thẳng thắn, tâm huyết, đã đi sâu và rộng vào tất cả các nội dung liên quan quá trình tổng kết từ phạm vi, chủ đề, phương pháp tổ chức, gợi ý quá trình đánh giá tổng kết về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến trong suốt quá trình xây dựng đề án để việc triển khai tổng kết bảo đảm tiến độ và chất lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục