Đảm bảo thi tốt nghiệp THPT an toàn trong bối cảnh COVID-19 phức tạp

Để đảm bảo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19, hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo 63 tỉnh thành đã cùng thảo luận bàn giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: PV)

Chỉ còn hơn một tháng nữa, hơn một triệu thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hướng đến mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc trong điều kiện dịch bệnh đối với cả thí sinh, cán bộ, nhân viên làm công tác thi là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặt ra tại Hội trực tuyến về công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 vừa được Bộ tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh thành trên cả nước sáng nay, ngày 27/5.

Phòng bị nhiều phương án

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Mai Văn Trinh cho hay trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ đã phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng các kịch bản tổ chức thi trong các tình huống, trong đó có việc tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh. Ông Trinh đề nghị ban chỉ đạo thi các địa phương cũng phải xây dựng kịch bản tương tự.

Đại diện các địa phương cho biết đây cũng yếu tố đã được các tỉnh tính đến và có kế hoạch sẵn sàng.

Tại Bắc Ninh, nơi dịch bệnh đang diễn biến nhanh, ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hay hiện Bắc Ninh đã hoàn thành chương trình môn học, kiểm tra đánh giá cho học sinh lớp 12 và đang triển khai ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều hình thức, từ dạy học trực tuyến, phát sóng trên truyền hình, khảo sát online.

Cũng theo ông Sơn, tính đến hết ngày 26/5, Bắc Ninh đã có 627 ca mắc COVID-19 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, với gần 5.000 F1 được truy vết. Trong đó, khối 12 có 15 học sinh là F0, 125 em là F1, 394 em là F2, chủ yếu thuộc huyện Thuận Thành.

[Thi tốt nghiệp THPT: Giữ nguyên lịch, giảm độ khó so với đề minh họa]

Trong bối cảnh đó, Bắc Ninh đã xây dựng dự kiến ba phương án tổ chức kỳ thi. Phương án 1, trong trường hợp Bắc Ninh kiểm soát được dịch bệnh, không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng, kết thúc biện pháp giãn cách xã hội vào khoảng từ ngày 20 - 25/6, kỳ thi sẽ được tổ chức theo đúng lịch thi của Bộ là vào ngày 6,7,8/7. Đối với nhóm thí sinh F2 sẽ tổ chức phòng thi dự phòng tại các điểm thi. Đối với nhóm thí sinh F0 (phải điều trị trong bệnh viện không có điều kiện dự thi) thực hiện theo hướng dẫn của Bộ. Đối với nhóm thí sinh F1 (phải cách ly tại các khu tập trung) sẽ tính toán đề xuất tổ chức thi tại các điểm thi phù hợp.

Thí sinh Lạng Sơn dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt hai trong kỳ thi năm 2020. (Ảnh: PV)

Phương án hai, sau ngày 25/6, tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, nhiều địa phương trong tỉnh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, Bắc Ninh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt hai cho học sinh toàn tỉnh.

Tại Quảng Nam, dù 14 ngày qua chưa phát hiện thêm ca nhiễm COVID-19 mới nhưng tỉnh cũng lên ba phương án tổ chức thi. Nếu tình hình dịch kiểm soát tốt sẽ thi theo kế hoạch của Bộ. Nếu trong điều kiện dịch phức tạp hơn ở một số địa phương sẽ tổ chức thi các khu vực an toàn trước, khu vực có dịch lùi lại thi đợt hai. Trong trường hợp xấu nhất, nếu dịch bùng phát trên toàn tỉnh, lãnh đạo địa phương sẽ kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho toàn tỉnh thi đợt hai.

Sớm ban hành hướng dẫn

Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng cách kịch bản tổ chức thi, lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức thi trong bối cảnh dịch bệnh để các địa chủ động xây dựng các phương án ứng với tình huống cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh dự thi.

Trong đó có việc cho mốc thời gian thi lần hai để các địa phương chủ động thời gian xây dựng kế hoạch, việc hướng dẫn cụ thể với các trường hợp F0 về xét đặc cách tốt nghiệp, về tổ chức thi với đối tượng F1, F2; điều chỉnh về tuyển sinh đại học để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh nếu tổ chức hai đợt thi...

Trước ý kiến của các địa phương, phát biểu tổng kết Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay ngay sau Hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương về ứng phó với dịch bệnh liên quan đến kỳ thi để sự hướng dẫn cụ thể và các địa phương có thể thực hiện được một cách dễ dàng, đồng bộ.

“Chúng ta phải thống nhất tinh thần như chỉ đạo của Thủ tướng là không lơ là chủ quan nhưng cũng không hốt hoảng để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng đồng thời hướng đến mục tiêu an toàn cao nhất trong mùa dịch cho cả thí sinh, cán bộ và các thành phần liên quan khác trongg kỳ thi,” Bộ trưởng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay việc tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt ngành giáo dục và đào tạo đã có kinh nghiệm trong năm 2020. Bộ cũng đã sẵn sàng phương án này và chủ động chuẩn bị ngân hàng đề thi đáp ứng được yêu cầu thi nhiều đợt, đề thi đảm bảo cân bằng giữa các đợt. Từ kinh nghiệm tổ chức thi cho thí sinh F1, F2 ở Đà Nẵng và một số địa phương năm 2020 cùng sự phối hợp hỗ trợ về chuyên môn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các hội đồng thi chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn lực con người đủ phẩm chất và năng lực để tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Ban chỉ đạo thi thống nhất đặt quyết tâm tổ chức kỳ thi theo đúng lịch đã định là từ ngày 6 đến ngày 8/7. Trong trường hợp bất khả kháng mới tổ chức thêm các đợt thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục