Đảm bảo nhân lực cho y tế cơ sở các vùng sâu, vùng địa bàn khó khăn

Bộ Y tế đã có những chính sách, giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập, trong đó bao gồm những chế độ phụ cấp ưu đã theo nghề.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Liên quan đến nội dung nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập về chất lượng nguồn nhân lực, có nên tách bạch quản trị và chuyên môn hay không? Bộ trưởng Y tế và Nội vụ đã có những giải đáp tại phiên chất vấn nghị trường Quốc hội vào sáng 10/11, trong đó nhấn mạnh sẽ nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này để đảm bảo cán bộ cơ sở y tế vừa có cả chuyên môn lẫn năng lực quản trị đồng thời cũng làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện trách nhiệm của người đứng đầu.

Tăng cường nhân lực y tế tuyến cơ sở

Nhấn mạnh tiêu chí đảm bảo y tế Việt Nam phải tương đương với các nền y tế hiện đại trên thế giới, theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, ngành y tế đã triển khai nhiều chương trình đào tạo liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, bộ cũng đã có những chính sách, giải pháp thu hút nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập, trong đó bao gồm những chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và những chế độ phụ cấp đặc biệt do trực và chống dịch.

Trong đào tạo nhân lực, ông Long cho biết đã trình Chính phủ Đề án để đảm bảo nhân lực y tế cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; Đề án luân chuyển, đào tạo bác sĩ trẻ đưa về các vùng và tăng cường đầu tư cho y tế cho những địa bàn khó khăn.

Đối với việc thiếu hụt nhân lực y, bác sĩ, trình độ chuyên môn cao ở một số địa phương, theo ông Long, đến nay y tế tuyến cơ sở, cấp huyện, xã cơ bản đáp ứng trong điều kiện bình thường, tuy nhiên trong thực tế, các cơ sở này không đáp ứng được khi dịch bệnh xảy ra và thực trạng này diễn ra ngay tại các tỉnh, thành phố lớn.

Bộ Y tế đang xây dựng đề án tăng cường năng lực y tế tuyến cơ sở như cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức của trạm y tế xã, theo đó bố trí cho trạm y tế xã số nhân lực phù hợp với dân số trên địa bàn từng xã, phường.

[Có hiện tượng y, bác sỹ tự ý bỏ vị trí, không thực hiện nhiệm vụ]

Bộ trưởng Thanh Long cũng nêu tình trạng cán bộ y tế ngành công lập sang làm việc cho các cơ sở y tế tư nhân, tuy nhiên, ông khẳng định nguồn nhân lực trong các cơ sở y tế công lập vẫn được đảm bảo và những cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao vẫn làm trong các cơ sở y tế công lập là chủ đạo.

Trước tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng vòng lao lý khi sai phạm trong vấn đề đấu thầu và mua bán thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ quan điểm đây là những vụ việc “hết sức đau lòng” và ông chỉ ra nguyên nhân một phần do cơ chế, do sự hướng dẫn và đặc biệt những vi phạm này mang tính cá nhân.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, về giải pháp phân quyền cho một cấp phó chuyên phụ trách về kinh tế nhưng nếu có sai phạm người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết quy định của Đảng, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm khi sai phạm xảy ra trong đơn vị của mình. Nếu đơn vị xảy ra sai phạm dù trực tiếp hay gián tiếp thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bác sỹ giỏi chưa chắc đã quản trị giỏi?

Cũng liên quan đến vấn đề nhân lực, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết về xây dựng đội ngũ quản lý, Chính phủ ban hành Nghị quyết 26 về ban hành xây dựng đội ngũ các cấp, Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trên cơ sở này, Chính phủ ban hành Nghị định 15 về công chức phục vụ đơn vị sự nghiệp, trong đó đã nêu rõ tiêu chuẩn điều kiện quy trình bổ nhiệm đơn vị sự nghiệp. Bô Y tế ban hành thông tư quy định chức năng về bổ nhiệm.

“Thế nhưng thực tiễn đã phát sinh quản lý cơ sở y tế người có năng lực chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản trị,” bà Trà thừa nhận đồng thời nhấn mạnh Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Y tế nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này để đảm bảo cán bộ cơ sở y tế vừa có cả chuyên môn lẫn năng lực quản trị và cũng làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện trách nhiệm của người đứng đầu.

Đảm bảo nhân lực cho y tế cơ sở các vùng sâu, vùng địa bàn khó khăn ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đánh giá nhân lực y tế hiện còn khó khăn chưa đảm bảo số lượng, hạn chế chất lượng, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ rà soát toàn bộ hệ thống y tế để có chủ trương cụ thể, cần thiết xây dựng Đề án chiến lược xây dựng đội ngũ y tế thời kỳ mới, xây dựng tự chủ y tế.

“Những năm qua, kết quả bước đầu số đơn vị y tế thực hiện tự chủ được đẩy mạnh, đạt trên khoảng 10%, tự chủ hoàn toàn là 6%. Hiện các bộ, ngành rà soát lại và đánh giá tổng thể Nghị quyết 19 trong đó tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp để có đầy đủ cơ sở chính sách cơ chế vận hành bởi theo Nghị định 20 còn vướng về quy định sự nghiệp và định mức, xác định danh mục công thiết yếu… để đẩy mạnh về tự chủ và xã hội hóa y tế,” bà Trà nói.

[Tăng cường y tế cơ sở, đẩy nhanh cấp túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà]

Đề cập đến việc phân cấp trong hệ thống y tế trên địa bàn, Bộ trưởng Nội vụ nhìn nhận còn nhiều vướng mắc. Bà đồng tình với một số ý kiến cần rà soát, xem xét căn cơ, cụ thể trong vấn đề quản lý Nhà nước đối với hệ thống y tế cấp tỉnh, huyện.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng quả quyết việc giao trung tâm y tế cho ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, gồm trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn, là rất phù hợp yêu cầu. Sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để thực hiện phân cấp ngay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục