Sau 10 ngày làm việc với nhiều nội dung quan trọng, sáng 2/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ 31.
Trong buổi làm việc bế mạc, thảo luận về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách các cấp; lập dự toán, quyết toán Ngân sách Nhà nước; định hướng nâng cao quyền tự chủ của địa phương, bảo đảm thực quyền quyết định Ngân sách của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nâng cao tính minh bạch trong quản lý và sử dụng Ngân sách Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự án này sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sắp tới.
Quan điểm chỉ đạo và yêu cầu đối với lần sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước lần này là khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả quản lý Ngân sách Nhà nước; làm rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan dân cử, các địa phương; tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Ngân sách Nhà nước.
Việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước phải tạo động lực phát triển các nguồn lực, phân bổ ngân sách tập trung, bảo đảm công bằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đất nước...
Trên tinh thần đó, Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sửa đổi một số nội dung về phạm vi ngân sách, bội chi ngân sách, mức huy động của ngân sách cấp tỉnh, phân cấp nguồn thu, quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Trung ương, số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới...
Đồng thời Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) bổ sung một số nội dung về Kế hoạch tài chính-Ngân sách trung hạn; trách nhiệm báo cáo, giải trình; việc đánh giá kết quả, hiệu quả chi ngân sách gắn với công tác quyết toán ngân sách; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, cơ quan thẩm tra cho rằng yêu cầu quan trọng nhất trong việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước là phải bảo đảm thể chế hóa các nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp liên quan đến lĩnh vực tài chính-ngân sách.
Trên tinh thần đó, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ Ngân sách Nhà nước là thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của Ngân sách Trung ương, thể hiện rõ nhiệm vụ chi của Ngân sách Trung ương gắn với nhiệm vụ chi Quốc gia.
Góp ý tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Dự thảo cũng cần phân cấp rõ chức năng, nhiệm vụ gắn liền với phân cấp ngân sách giữa Trung ương và địa phương, theo đó, xác định rõ phạm vi nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong việc quyết định dự toán Ngân sách Nhà nước, tránh trùng lắp và hình thức.
Tăng cường các quy định về nâng cao kỷ luật chi; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng ngân sách, đặc biệt là về chi Ngân sách Nhà nước cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản đã được quy định trong Hiến pháp: Các khoản thu, chi Ngân sách Nhà nước phải được dự toán và do Luật định (Điều 55 của Hiến pháp).
Một số ý kiến cho rằng dự thảo Luật lần này có một số quy định mới nhưng vẫn còn nhiều quy định chung chung cần được cụ thể hơn, như các quy định về nguồn thu, nhiệm vụ chi của các cấp ngân sách; về công tác quyết toán ngân sách nhà nước, công tác kế toán nhà nước, công khai, minh bạch ngân sách, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong quyết định ngân sách của cấp mình...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị trong sửa đổi luật lần này phải khắc phục được những tồn tại hiện nay trong việc lập, quản lý và sử dụng ngân sách.
Một số ý kiến đề nghị chỉ xem xét nâng mức dư nợ đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương; giữ nguyên trần vay nợ như quy định hiện hành đối với các địa phương khác.
Về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo cần làm rõ thẩm quyền quyết định ngân sách là của Quốc hội.
Quốc hội cũng có thẩm quyền giám sát việc thực thi ngân sách. Tổ chức thực hiện ngân sách là Chính phủ./.