Đảm bảo nguồn nước sông Hồng-Thái Bình: Cần 'cái bắt tay' trách nhiệm

Để bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình, rất cần một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và các địa phương.
Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hà Nội. (Nguồn ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)
Sông Hồng đoạn chảy qua địa phận thành phố Hà Nội. (Nguồn ảnh: Phạm Tuấn Anh/TTXVN)

Nhận định lưu vực sông Hồng-Thái Bình đang đối mặt với nhiều thách thức lớn do phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh đồng thời tăng cường công tác phối hợp quản lý, bảo vệ giữa các ngành, địa phương.

Nhiều thách thức làm “bẩn” nguồn nước

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết lưu vực sông Hồng-Thái Bình là lưu vực sông liên quốc gia, chảy qua 3 nước (bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Lào), với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000 km2.

Trong số đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam có phạm vi diện tích lớn nhất được xem là “rốn nước,” với hơn 50%. Đây cũng là lưu vực sông lớn nhất nước, chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống.

Vai trò quan trọng như vậy, nhưng theo ông Thành, hệ thống sông Hồng-Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, như: Phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nguồn nước; ảnh hưởng của các hồ chứa dẫn đến xói lở bờ bãi; gia tăng xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…

Dẫn chứng từ địa phương, bà Cao Lan Anh, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng cho biết thành phố này nằm ở hạ lưu của lưu vực sông Hồng-Thái Bình nên nguồn nước khá phong phú. Tuy nhiên, là thành phố cửa sông cửa biển nên địa phương này đã và đang phải “hứng chịu” toàn bộ lượng chất thải từ thượng nguồn của hai hệ thống sông trên dồn về.

[Bộ TN-MT đốc thúc các địa phương bảo vệ tài nguyên nước dưới đất]

Bên cạnh đó, Hải Phòng còn phải hứng nguồn nước từ sông Rế vốn chịu tác động rất lớn từ nguồn là địa bàn tỉnh Hải Dương (nơi có Bệnh viện Đa Khoa huyện Kim Thành và các bãi rác dân sinh; trại chăn nuôi; các cánh đồng canh tác của người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm nguồn nước).

Ông Lưu Văn Bản-Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương cũng cho biết tỉnh này nằm ở khu vực hạ lưu của nhiều dòng sông lớn. Do vậy, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom xử lý nước thải khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn để đảm bảo an toàn nguồn nước.

Tuy vậy, thách thức lớn hiện nay của tỉnh này là tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhiều nơi đang ở mức báo động, đặc biệt là ở hệ thống Bắc Hưng Hải - “điểm đen” về ô nhiễm kéo dài trong suốt nhiều năm nay, đã và đang khiến cho hàng nghìn hộ dân sống gần lưu kênh này thường xuyên bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, Luật Tài nguyên nước đang còn “lỗ hổng” lớn về cơ chế phối hợp giữa các tỉnh; chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, bảo vệ nguồn nước liên tỉnh...

Cần lập hành lang bảo vệ, quản lý liên tỉnh

Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng tài nguyên nước cần phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước.

Đảm bảo nguồn nước sông Hồng-Thái Bình: Cần 'cái bắt tay' trách nhiệm ảnh 1Nguồn nước lưu vực sông Hồng-Thái Bình phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt đã và đang là vấn đề lớn. Do vậy, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách đồng bộ để giải quyết các thách thức.

Đặc biệt, để bảo đảm an ninh nguồn nước cũng như phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng- Thái Bình, rất cần “cái bắt tay” trách nhiệm bằng cơ chế phối hợp giữa các tỉnh để cùng chia sẻ lợi ích, cùng quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cũng nhấn mạnh để giải quyết các thách thức về nguồn nước hiện nay rất cần có đề án, chương trình tổng thể cho toàn bộ lưu vực sông. Theo đó, Hải Dương sẽ tiếp thu Quy hoạch lưu vực sông Hồng-Thái Bình để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch, điều tra tài nguyên nước Quốc gia, để có thể đảm bảo các mục tiêu quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình đến năm 2030, một số chỉ tiêu cơ bản cần đạt được bao gồm: 60% vị trí duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông được giám sát tự động, trực tuyến và 40% còn lại được giám sát định kỳ.

Cùng với đó, 100% nguồn nước liên tỉnh phải được công bố khả năng tiếp nhận nước thải; 100% công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước được giám sát vận hành; 100% hồ, ao có chức năng điều hòa, đa đa dạng sinh học cao được công bố; 70% nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và có cắm mốc.

Ngoài ra, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng-Thái Bình đến năm 2030 sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước; trong đó chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác...

“Đây là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống lưu vực sông Hồng-Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch Tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước,” ông Hà chia sẻ và kỳ vọng thông qua quy hoạch có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước.

Với tầm quan trọng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - Thái Bình thời kỳ 2022-2030, tầm nhìn đến 2050; dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3 năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục