Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, quản lý chất thải trong cơ sở y tế sau bão lụt.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 Usagi gây mưa lớn kéo dài và ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
[Vụ ngộ độc thực phẩm tại Đắk Lắk: Thêm 30 người nhập viện cấp cứu]
Để đảm bảo nước sạch và vệ sinh môi trường, phòng chống nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải y tế, góp phần phòng chống dịch bệnh sau bão lụt, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý triển khai đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, công tác đảm bảo nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Bên cạnh đó, các đơn vị có liên quan kiểm tra tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn; bố trí và cung cấp đủ hóa chất, phương tiện, trang thiết bị để xử lý nước, xử lý môi trường như Cloramin B, viên Aquatabs, máy phun hoá chất diệt khuẩn… 2.
Sở Y tế cần chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý tăng cường công tác vệ sinh môi trường; Bảo đảm cung cấp đủ nước sạch dùng cho ăn uống, sinh hoạt của người bệnh, người nhà người bệnh và cán bộ y tế; Thực hiện thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải y tế theo quy định, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Để phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, Bộ Y tế yêu cầu hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị y tế cơ sở và người dân thực hiện các biện pháp xử lý vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý xác súc vật chết; thau rửa các bể chứa, dụng cụ nước sạch; xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về công tác đảm bảo nước sạch, các đơn vị chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát vệ sinh chất lượng nước cấp cho ăn uống sinh hoạt từ các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung trên địa bàn thành phố đảm bảo nồng độ clo dư luôn đạt 0,3-0,5 mg/lít tại vòi sử dụng; tăng cường kiểm tra vệ sinh chất lượng nước hộ gia đình.
Theo các chuyên gia y tế, nguồn nước bị ô nhiễm, nước được xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn chất lượng, nguy cơ mắc các bệnh do nguồn nước bị ô nhiễm là rất cao. Đó là các bệnh như: tả, lỵ, các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh giun sán…
Các bệnh nêu trên gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường cộng đồng. Vì vậy, công tác xử lý và khử trùng nước đóng vai trò quan trọng. Điều này góp phần tích cực trong việc ngăn ngừa vi sinh vật xâm nhập nguồn nước, hạn chế tối đa bệnh lây truyền qua nguồn nước, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ nguồn nước./.