Chiều 29/10, các đại biểu Quốc hội họp tổ, thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 8/11/2016 của Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích chỉ ra những hạn chế, yếu kém của công tác điều hành kinh tế thời gian qua và góp ý vào kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm tới, với mục tiêu cao nhất là giữ vững ổn định kinh tễ vĩ mô.
Tập trung khôi phục kinh tế ngắn hạn
Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng cần áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Trong đó, nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy mô hình kinh tế này là khoa học công nghệ. Để phát triển khoa học công nghệ sẽ tiêu tốn rất nhiều ngân sách. Thực tế chưa năm nào đầu tư cho khoa học công nghệ đạt quá 2% ngân sách.
[Tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu, thích ứng với tình hình mới]
Trong khi áp dụng mô hình kinh tế mới trong việc tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025, đại biểu băn khoăn việc chuẩn bị nguồn lực ngân sách để phát triển thị trường khoa học công nghệ. “Nếu không đảm bảo đủ nguồn ngân sách và các điều kiện cụ thể thì rất khó triển khai các mô hình hiệu quả,” đại biểu nói.
Qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhận thấy, các nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cơ bản khá toàn diện, bao quát khá đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên xuất phát điểm đầu nhiệm kỳ khi nền kinh tế chịu hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp phá sản, suy yếu nhiều, có sự chuyển dịch lao động từ các trung tâm công nghiệp phía Nam về các vùng chậm phát triển hơn sau khi nới lỏng giãn cách lần thứ 4, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và chuỗi cung ứng lao động..., đại biểu nhận thấy vẫn còn khoảng cách giữa giải pháp và thực tiễn trong Báo cáo, cần có đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng của COVID-19 để đặt ra mục tiêu phát triển giai đoạn 2021-2025 có tính thực tế hơn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh giai đoạn này cần tập trung khôi phục kinh tế ngắn hạn vì phù hợp với tình hình hiện nay, đảm bảo ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh đầu tư công để tạo nền tảng thu hút đầu tư tư nhân, phát huy vai trò là động lực phát triển, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh hệ thống y tế sau thời gian ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Điều chỉnh độ mở của cơ chế, chính sách để đánh thức tiềm năng
Thảo luận về việc chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) lưu ý việc chuyển đổi sử dụng điện than sang năng lượng tái tạo cần phải có lộ trình, đồng bộ.
Theo đại biểu, không thể cực đoan bỏ cái nọ mà không hoặc là không bắt đầu cái mới. Bên cạnh việc duy trì sử dụng than ở giai đoạn đầu và giảm dần cũng phải bắt đầu sử dụng năng lượng tái tạo mặc dù đầu tư rất lớn.
Đề cập đến vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo, đại biểu Nguyễn Chu Hồi chỉ ra một điểm yếu trong thu hút đầu tư đó là vẫn còn tư duy nặng về tài chính mà chưa chú trọng đến cải cách cơ chế hay độ mở của cơ chế, chính sách. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động, làm suy yếu nền kinh tế thì vấn đề tăng cường các “lợi thế động,” tức là điều chỉnh độ mở của cơ chế, chính sách để đánh thức tiềm năng hay còn được gọi là lợi thế tĩnh, tức là cái mà thiên nhiên vốn có mang tặng chúng ta là hết sức quan trọng.
“Nếu chúng ta đi sau mà chúng ta muốn lợi dụng lợi thế của người đi sau thì chúng ta cũng phải có những quyết đoán chính là bằng thể chế chính sách chứ không phải bằng tiền đi vay,” đại biểu nói.
Cần giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ để khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo
Cho rằng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong việc cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm sắp tới, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An), chỉ rõ khi việc khai thác các lợi thế về lao động, tài nguyên thiên nhiên bắt đầu hết khoảng trống thì đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải được coi là một trong những giải pháp trọng tâm. Nghiên cứu của một số quốc gia cũng đánh giá cao về tiềm năng này của Việt Nam. Do đó, cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ để khai thác được tiềm năng về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đề xuất một số giải pháp về nội dung này, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng nên có cơ chế điều phối để thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quyết liệt hơn; tập trung xây dựng thể chế phục vụ cho các công tác này tốt hơn; tập trung nguồn vốn cho hạ tầng số; đẩy mạnh xây dựng kỹ năng sử dụng dịch vụ số; củng cố niềm tin của người dân đối với các chương trình chuyển đổi số.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), cho biết trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng phát triển theo chiều sâu, tiếp tục phát huy những ngành kinh tế có thế mạnh, xác định tồn tại được sau đại dịch COVID-19, làm trụ đỡ cho nền kinh tế.
Đại biểu cũng đề nghị tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế; tập trung phát triển các tập đoàn tư nhân đầu tàu, làm bệ đỡ kéo các doanh nghiệp khác lên theo; tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế vùng; phát triển các hợp tác xã kiểu mới, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém.
Đặc biệt, đại biểu cho rằng thời gian tới, Việt Nam cần tập trung ưu tiên phát triển ngành y dược, chăm sóc sức khỏe, chủ động sản xuất vaccine…/.