Đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo

Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng thóc năm nay là 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80.000 tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.
Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, cộng với tình hình thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng và nhu cầu lương thực của các nước trên thế giới nhưng Bộ vẫn chủ động các giải pháp nhằm đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo.

Diễn biến trong những tháng đầu năm cho thấy tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam tương đối thuận lợi, giá gạo xuất khẩu tăng cao đem lại lợi ích cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người trồng lúa.

Tính đến ngày 15/3, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 1,298 triệu tấn, tăng 26,5% với giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm 2019.

[Thủ tướng: Đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống]

Theo Hiệp hội Lượng thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam ngày 20/3 là từ 418-422 USD/tấn; loại 25% tấm giá từ 403-407 USD/tấn; gạo Jasmine có giá từ 528-532 USD/tấn.

Giá bán loại 5% tấm so với với giá trung bình của tháng 2/2020 cao hơn từ 30-40 USD/tấn.

Giá lúa gạo trong nước cũng tương đối thuận lợi, trong tuần từ 5-12/3, các doanh nghiệp thu mua lúa tươi của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long tại ruộng với giá dao động 4.950-5.150 đồng/kg; giá lúa hạt dài dao động 4.950-5.500 đồng/kg.

Mặc dù có những thuận lợi trước mắt như vậy nhưng theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và tác động của mùa Đông ấm ở các tỉnh phía Bắc gây bất lợi cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất lúa gạo của cả nước.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều giải pháp ứng phó đảm bảo thắng lợi trong sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng thóc năm nay là 43,5 triệu tấn, tăng khoảng 80.000 tấn so với năm 2019, đảm bảo đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo.

Đóng bao gạo đặc sản tại Tổng công ty Lương thực miền Nam. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Để đạt sản lượng 43,5 triệu tấn thóc, năm 2020 cả nước phải duy trì tối thiểu 7,364 triệu ha lúa, giảm khoảng 115.000ha so với năm 2019 do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tác động của hạn mặn; năng suất phải đạt 59,3 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với năm 2019 để bù vào phần diện tích bị cắt giảm.

Theo kế hoạch, các tỉnh phía Nam sẽ gieo cấy 5,021 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt 30,4 triệu tấn thóc; trong đó vụ Đông Xuân gieo cấy 1,911 triệu ha, sản lượng 13,2 triệu tấn; vụ Hè Thu gieo cấy 1,807 triệu ha, sản lượng 10,3 triệu tấn; vụ Thu Đông gieo cấy 0,75 triệu ha, sản lượng 4,2 triệu tấn; vụ Mùa gieo cấy 0,553 triệu ha, sản lượng 2,7 triệu tấn.

Các tỉnh phía Bắc gieo cấy 2,343 triệu ha, sản lượng 13,1 triệu tấn thóc; trong đó, vụ Đông Xuân 1,103 triệu ha, sản lượng 6,9 triệu tấn; vụ Hè Thu và vụ Mùa 1,24 triệu ha, sản lượng 6,2 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến trong thời gian 6 tháng đầu năm, toàn bộ lúa vụ Đông Xuân cả nước sẽ được thu hoạch, sản lượng sẽ đạt khoảng 20,1 triệu tấn thóc; trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,9 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 13,2 triệu tấn.

Trong thời gian 6 tháng cuối năm, toàn bộ lúa vụ Hè Thu, Mùa, Thu Đông cả nước được thu hoạch với sản lượng dự kiến là 23,4 triệu tấn thóc; trong đó các tỉnh phía Bắc là 6,2 triệu tấn, các tỉnh phía Nam là 17, 2 triệu tấn.

Đến nay, toàn bộ diện tích lúa Đông Xuân của các tỉnh phía Nam đều an toàn, diện tích đã thu hoạch là 1,12 triệu ha (đạt 72,7%), năng suất đạt 70 tạ/ha, tăng 2,2 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2018-2019. Toàn vùng chỉ có trên 20.000ha bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau.

Với vụ Hè Thu, Bộ đang tập trung chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát và điều chỉnh thời vụ gieo sạ để đảm bảo nguồn nước, an toàn cho sản xuất, đồng thời đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho sản xuất vụ Thu Đông 2020 và Đông Xuân 2020-2021.

Đối với các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, ngành nông nghiệp chỉ đạo tranh thủ gieo sạ sớm nhất có thể để tranh thủ nguồn nước và hạn chế tác động của hạn vào cuối vụ.

Với những vùng không thể tiếp cận được nguồn nước, địa phương cần chủ động cắt vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn ngắn ngày. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động gieo sạ sớm đối với các vùng chủ động nước, không bị tác động của hạn, mặn.

Đối với diện tích bị tác động của hạn, mặn của các tỉnh ven biển (khoảng gần 300.000 ha), do dự báo thời gian có mưa năm nay sẽ muộn (cuối tháng 5) nên Bộ sẽ chỉ đạo đẩy lùi thời vụ gieo sạ sang Hè Thu muộn (hoặc Thu Đông sớm) khi có đủ nguồn nước.

Việc chuyển dịch thời vụ này không chỉ đảm bảo an toàn cho sản xuất mà còn có nhiều ưu điểm tích cực như: điều tiết năng lực sản xuất như máy móc, kho chứa...; giảm sức ép thị trường trong thời điểm thu hoạch rộ; vụ Thu Đông sớm sẽ được gieo trồng trong thời điểm đủ nước.

Theo kế hoạch, vụ Thu Đông năm 2020, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ duy trì diện tích 750.000ha. Tuy nhiên, theo dự báo của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn, nhu cầu tăng 3,7 triệu tấn. Trong khi đó dịch bệnh COVID-19 có thể tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.

Mặt khác, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể sẽ tăng do một số quốc gia và người dân có thể mua để tích trữ. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa Thu Đông lên khoảng 800.000 ha nếu có thể.

Trước mắt, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo xác định khung thời vụ, vùng xả lũ, cơ cấu giống cây trồng và các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho vụ Thu Đông đảm bảo duy trì diện tích, năng suất và khung thời vụ thu hoạch tốt nhất để có thể sản xuất sớm vụ Đông Xuân 2020-2021.

Tại các tỉnh phía Bắc, ngành nông nghiệp nhận định vụ Đông Xuân 2019-2020 là vụ Đông ấm. Do tác động của mùa Đông ấm, các đối tượng sâu, bệnh có thể phát sinh gây hại sớm, rải rác không theo quy luật và gây hại nặng hơn các năm. Do đó, Bộ đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương thường xuyên điều tra, theo dõi, phát hiện và phòng trừ sâu, bệnh kịp thời.

Với Hè Thu và vụ Mùa ở các tỉnh Bắc Trung bộ, Bộ sẽ xác định khung thời vụ phù hợp cho từng vùng để tránh thu hoạch vào mùa lũ, đồng thời đảm bảo thời vụ tốt nhất cho cây trồng vụ Đông.

Bộ cũng khuyến cáo các địa phương tiếp tục lựa chọn bộ giống ngắn ngày, chất lượng, chống chịu khá đối với sâu bệnh; chỉ đạo giảm diện tích lúa gieo thẳng, đặc biệt đối với các vùng bị tác động của lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục