Đảm bảo cung cấp dịch vụ chiếu xạ, hậu cần theo quy định 3 tại chỗ

Năm 2021, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam luôn đồng hành cùng cả nước vừa hoạt động nghiên cứu, triển khai vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thường xuyên đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn dịch.
Các cán bộ tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. (Nguồn: nangluongvietnam.vn)

Năm 2021, trong tình hình dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều mặt của đời sống xã hội và phát triển kinh tế, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam luôn đồng hành cùng cả nước vừa hoạt động nghiên cứu, triển khai vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các văn bản của bộ, ngành và địa phương về công tác phòng ngừa, ngăn chặn dịch COVID-19.

Trong thời gian giãn cách xã hội, Viện đã chủ độ bố trí, sắp xếp nhân lực làm việc tại trụ sở các đơn vị để hoàn thành tốt, đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao và đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo yêu cầu.

Các đơn vị trực thuộc Viện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thực hiện phương án “vừa cách ly, vừa sản xuất tại chỗ” nhằm đảm bảo thực hiện cung cấp dịch vụ chiếu xạ và công việc hậu cần theo quy định ba tại chỗ, thích ứng linh hoạt, an toàn trong tình hình mới.

Trong năm qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ theo kế hoạch đề ra, phát triển khoa học công nghệ hạt nhân gắn với thực tiễn, ứng dụng, chú trọng đến chất lượng các sản phẩm khoa học và phát triển công nghệ.

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, khắc phục khó khăn và đạt được một số kết quả trong vận hành an toàn và khai thác hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; trong triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội như sản xuất và cung cấp đồng vị phóng xạ, dịch vụ phân tích mẫu, dịch vụ đo liều cá nhân và kiểm chuẩn thiết bị, quan trắc và đánh giá tác động môi trường, sản xuất và cung cấp các chế phẩm phục vụ nông nghiệp, chứng nhận sản phẩm, VietGAP...

Các kết quả nghiên cứu khoa học cũng đã được khẳng định qua các công trình khoa học được công bố trong năm 2021 trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín và tạp chí trong nước.

[Phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình]

Viện trưởng Trần Chí Thành nhấn mạnh năm 2021, với mục tiêu nâng cao năng lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia, tiếp cận các hướng nghiên cứu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử, hỗ trợ triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân (CNST), thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong các ngành kinh tế-kỹ thuật, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã triển khai thực hiện 51 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp Bộ và cấp Nhà nước, trong đó 4 nhiệm vụ cấp Nhà nước thực hiện trong Chương trình KC.05/16-20; 23 nhiệm vụ cấp Bộ chuyển tiếp và 24 nhiệm vụ cấp Bộ mở mới.

Việc tổ chức đánh giá nghiệm thu đã được triển khai thực hiện, trong đó 4 nhiệm vụ cấp Nhà nước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá nghiệm thu; 19 nhiệm vụ cấp Bộ đã được Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức đánh giá nghiệm thu.

Ngoài ra, Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện nghiên cứu phát triển chương trình mô phỏng vùng nghiên cứu dựa trên cơ sở vật lý lò phản ứng và động học chất lưu; Nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến quặng đất hiếm và các nghiên cứu ứng dụng nguyên tố đất hiếm tiếp tục được đẩy mạnh...

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiếp tục triển khai xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia theo Quyết định 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát hiện kịp thời mọi diễn biến bất thường về bức xạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ cho việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và cung cấp cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn hạt nhân.

Tính đến năm 2021, mạng lưới bước đầu đã hình thành một trung tâm điều hành đặt tại Hà Nội và các trạm vùng, trạm địa phương tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam thông qua các dự án tăng cường trang thiết bị, nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp...

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Nguồn: vinatom.com.vn)

Song song với việc thực hiện xây dựng Mạng lưới, Viện đã và đang tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh có đủ năng lực thực hiện các tính toán, mô phỏng, đánh giá khả năng phát tán chất phóng xạ từ các sự cố hạt nhân xuyên biên giới có thể xảy ra trong tương lai, dự báo các kịch bản sự cố, phục vụ ứng phó sự cố trong các trường hợp (nếu có) và đã chế tạo được thiết bị quan trắc tự động phóng xạ môi trường phục vụ nhu cầu của các Trạm quan trắc phóng xạ môi trường biển trong Mạng lưới Quan trắc môi trường Quốc gia.

Để chuẩn hóa các dữ liệu quan trắc từ Mạng lưới với nhiều hệ thiết bị quan trắc khác nhau, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân đã thực hiện tích hợp các nguồn dữ liệu quan trắc phóng xạ trực tuyến và quy trình xử lý, các dữ liệu được chuyển đổi, tích hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường theo một định dạng thống nhất.

Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã tập trung nghiên cứu phát triển các dược chất phóng xạ có khả năng ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị; phát triển các kỹ thuật kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng dược chất phóng xạ và trung hoàn thiện các thủ tục để sớm được sản xuất và cung cấp 18F-FDG cho các bệnh viện.

Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai nghiên cứu về xác định tuổi, nguồn gốc và bổ cấp của các tầng chứa nước vùng Tây Nam Bộ; xây dựng phòng thí nghiệm phân tích hoạt độ phóng xạ mức thấp tại trung tâm hạt nhân phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017; nghiên cứu hiệu ứng kháng bệnh và tăng trưởng của chế phẩm hữu cơ đất hiếm đối với cá tra; nghiên cứu tăng cường hoạt tính của zeolite ZSM-5 được chiếu xạ electron trong phản ứng cracking...

Đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã gây ra những thách thức, khó khăn cực kỳ nghiêm trọng đối với đời sống xã hội cả nước nói chung và các tỉnh thành khu vực Nam Bộ nói riêng. Trung tâm VINAGAMMA vẫn cố gắng khắc phục khó khăn duy trì được các hoạt động chiếu xạ chính của trung tâm và đạt được các kết quả đáng tự hào, hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao với tổng doanh thu tính đến hết tháng 10/2021 đạt 55.313 tỷ đồng (năm 2020 là 70,8 tỷ đồng)...

Đặc biệt, với vai trò chủ tịch cơ quan điều phối Hiệp định hợp tác vùng châu Á-Thái Bình Dương (RCA) năm 2022, Việt Nam chịu trách nhiệm soạn thảo, xây dựng chương trình hội nghị và văn kiện của Hội nghị Bộ trưởng để lấy ý kiến các nước thành viên RCA chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng RCA nhân dịp Đại hội đồng IAEA lần thứ 66, tháng 9/2022. Theo nghĩa vụ luân phiên, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Điều phối viên quốc gia RCA lần thứ 44 vào tháng 4/2022 tại Hà Nội.

Bệnh nhi chuẩn bị được xạ hình. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời gian tới, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam phối hợp với Cục Năng lượng nguyên tử trong việc xây dựng nhiệm vụ quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Bên cạnh đó, Viện đã dự thảo nhiệm vụ lập hợp phần quy hoạch phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an toàn, an ninh, là một trong 6 hợp phần quy hoạch để tích hợp vào Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Cũng trong thời gian tới, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiếp tục triển khai các dự án lớn của ngành năng lượng nguyên tử như: Dự án Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân; Dự án Chuẩn đo lường quốc gia lĩnh vực đo liều lượng bức xạ ion hóa giai đoạn 2015-2020; Dự án “Bổ sung nguồn Coban-60 phục vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ năm 2020-2021 của Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội;” Dự án “Tăng cường năng lực cho phòng thí nghiệm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế”...

Năm 2022, trong tình hình đất nước có thể vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ luôn nỗ lực và hướng tới thực hiện tốt mọi nhiệm vụ đề ra và thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế-xã hội đất nước và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra. Đây là một định hướng quan trọng mang tính chiến lược và xuyên suốt, nhằm khuyến khích thúc đẩy các đơn vị trực thuộc Viện phát triển đi lên bền vững dựa vào nền tảng là khoa học và công nghệ hạt nhân.

Ngoài ra, Viện tiếp tục triển khai các nghiên cứu liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc vận hành và khai thác an toàn hiệu quả cho lò phản ứng mới; duy trì và củng cố năng lực nghiên cứu về công nghệ an toàn điện hạt nhân; tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực công nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và chế biến quặng phóng xạ và nguyên tố hiếm, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến sâu sa khoáng ven biển, đặc biệt là công nghệ sản xuất Titan bột, titan kim loại; tăng cường ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp; thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.

Viện cũng tiếp tục xây dựng mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường Quốc gia; xây dựng trung tâm hợp tác IAEA-VINATOM nhằm đẩy mạnh sử dụng kỹ thuật hạt nhân, đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu và phát triển bền vững môi trường hướng tới các mục tiêu hỗ trợ công tác điều tra, khảo sát, đánh giá phóng xạ môi trường, quản lý tài nguyên, chống biến đổi khí hậu và truy xuất nguồn gốc; Đầu tư nâng cấp và tăng cường an toàn lò phản ứng nghiên cứu tại Đà Lạt...

Bên cạnh đó, Viện đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, hợp tác với các đối tác của Liên bang Nga, Ấn Độ... giúp Lào và Campuchia xây lực năng lực về an toàn bức xạ và kỹ thuật kiểm tra không pháp hủy; hợp tác với tổ chức năng lượng nguyên tử Nhật Bản, JAEA, MEXT, JINED.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục