Đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt an sinh xã hội

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cách trình bày của dự thảo văn kiện mang tính khoa học. Đại biểu bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào đường lối của Đảng.
Đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt an sinh xã hội ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh Trần Đoàn Trung phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 4/11, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị thông tin kết quả Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI; đồng thời tổ chức lấy ý kiến của cán bộ Công đoàn, công nhân lao động thuộc Liên đoàn Lao động 24 quận, huyện, Công đoàn cấp trên cơ sở góp ý văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tại Hội nghị, hầu hết các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cách trình bày của dự thảo văn kiện mang tính khoa học. Đại biểu bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào đường lối của Đảng.

Nhận định của Trung ương sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội cho thấy, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới.

Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Ông Võ Văn Đặng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phụ trách công nhân lao động Ngân hàng Sacombank cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tầm nhìn chiến lược đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao.

[Kỳ họp thứ 10: Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi]

Đồng thời, đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Ông Võ Văn Đặng đề xuất, phương hướng tới cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân.

Trung ương cần xem xét các chế độ, chính sách, dành sự quan tâm đặc biệt đến giai cấp nông dân để nông dân thực sự làm chủ và làm giàu ngay trên mảnh đất của mình; tạo điều kiện để công nhân phát huy được tin thần chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất; chú trọng nghiên cứu đến động lực thúc đẩy sức mạnh của lực lượng lao động sản xuất, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ lần thứ 4.

Cùng quan điểm, ông Lâm Tường Thoại, Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, bên cạnh chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần phát triển nguồn nhân lực phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương và ngay tại thời điểm đó.

Ông Trần Chí Thông, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành đề xuất các bộ, ngành chức năng cần có chính sách đồng bộ và kiến nghị đưa vào văn kiện về việc xây dựng nhà ở giá rẻ cho giai cấp cho công nhân.

Đồng thời, xem xét việc cải cách chính sách tiền lương theo hướng tiệm cận với giá cả sức lao động trên thị trường, tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng năng suất lao động, đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động, tạo động lực nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc.

Đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thực hiện tốt an sinh xã hội ảnh 2Ông Trần Chí Thông, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhiều đại biểu đề xuất Trung ương quan tâm phát triển đảng trong lực lượng công nhân lao động; những định hướng về kinh tế, văn hóa, xã hội cần mang tính đồng bộ, cân đối giữa các lĩnh vực. Lĩnh vực môi trường cần có sự quan tâm kịp thời và chế độ thực thi sát với thực tiễn, nhằm hạn chế thiên tai, lũ lụt.

Các đại biểu đề xuất xem xét lại mô hình tổ chức Công đoàn cho phù hợp với từng địa phương, theo kịp với xu thế phát triển của đất nước; phát huy tinh thần trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, năng lực của cán bộ công đoàn khi đất nước trong tiến trình hội nhập, phát triển.

Nhận định về những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết XII của Đảng, bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục thành phố cho rằng, nguyên nhân chính là do nhận thức, triển khai đổi mới tổ chức bộ máy một số cơ quan Trung ương và địa phương chưa đều, chưa thật đồng bộ.

Công tác cán bộ còn có mặt hạn chế, việc thực hiện một số nội dung trong các khâu công tác cán bộ ở một số nơi còn hình thức. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm," bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi.

“Do đó, rất cần sự quan tâm sâu sát về công tác cán bộ hiện nay. Nếu công tác cán bộ ở mỗi cấp, bộ, ngành, địa phương được quan tâm, hay người cán bộ có tâm, có tầm thì địa phương, bộ, ngành đó chắc chắn sẽ phát triển rất tốt…” bà Nguyễn Thị Gái chia sẻ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào những vấn đề về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn; về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Các đại biểu góp ý về đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho người lao động; tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động thích ứng với cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng lao động trong khu vực chính thức, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Đồng thời, các đại biểu đề nghị quan tâm đến mọi người dân, đảm bảo chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục