Đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa thép nhập khẩu và sản xuất trong nước

Khi có đủ bằng chứng xác định ngành sản xuất thép cán nóng trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu, cơ quan chức năng sẽ kiến nghị xem xét áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời.
Sản xuất thép tại Công ty Tisco. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Liên quan đến tình hình nhập khẩu thép tăng kỷ lục trong thời gian qua ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/10, tại Hà Nội, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, ngành sản xuất thép cán nóng (HRC) trong nước hiện có 2 doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm, được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu với tỷ lệ 50/50.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu về thép cán nóng của thị trường nội địa khoảng 13 triệu tấn/năm. Như vậy, nhập khẩu vẫn là nguồn bổ sung quan trọng cho nhu cầu của thị trường trong nước trong suốt thời gian qua.

Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho biết thêm, vừa qua, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo quy trình, Bộ Công Thương đã gửi câu hỏi điều tra đến tất cả các bên liên quan. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã nhận được 20 bản trả lời của các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nhập khẩu.

“Dựa trên các thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiến hành đánh giá, xác định hành vi bán giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như tác động của nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước, bao gồm cả những diễn biến về việc gia tăng nhập khẩu trong thời gian gần đây,” ông Chu Thắng Trung cho hay.

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ để xác định ngành sản xuất trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.

Lãnh đạo Bộ Công Thương giải đáp về các biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin thêm vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng hiện sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thì cần phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu nhập khẩu ồ ạt mà gây tổn hại nghiêm trọng đến sản xuất trong nước và đặc biệt là cản trở sự phát triển của ngành này thì sẽ phải có công cụ bảo vệ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện nay Bộ đang tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp về chống bán phá giá. Trên cơ sở đó để điều tiết nhập khẩu, đảm bảo lợi ích hài hoà của các bên.

“Trong trường hợp Bộ Công Thương xác định đúng có gây thiệt hại và hội tụ đủ các yếu tố thì sẽ áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời,” ông Tân nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục