Đảm bảo các quy định và cam kết quốc tế trong phát triển điện hạt nhân

Việt Nam đang hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, sẵn sàng triển khai Dự án CNEST và nhà máy điện hạt nhân.

Sơ đồ tổng mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được cắm ngay tại vùng dự án (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) để người dân nắm thông tin. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Sơ đồ tổng mặt bằng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được cắm ngay tại vùng dự án (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) để người dân nắm thông tin. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị cho lò phản ứng nghiên cứu mới và phát triển điện hạt nhân, các cơ quan liên quan đang hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, sẵn sàng cho việc triển khai Dự án Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân (CNEST) và nhà máy điện hạt nhân.

Tích cực tham gia công ước quốc tế về hạt nhân

Không giống các nguồn năng lượng khác, phát triển điện hạt nhân là công nghệ gần như duy nhất cần đáp ứng đầy đủ các quy định về giám sát và hợp tác quốc tế, đặc biệt về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân, một cơ chế hiệu quả để góp phần đảm bảo cho việc vận hành của các nhà máy điện hạt nhân khi đi vào hoạt động, nối lưới điện quốc gia một cách an toàn, bảo mật và có trách nhiệm.

Vì vậy, Việt Nam, cũng như các quốc gia lần đầu phát triển điện hạt nhân, cần tham gia đầy đủ các công ước quốc tế về hạt nhân.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, chuyên gia năng lượng nguyên tử, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết Việt Nam đã tích cực tham gia các công ước quốc tế do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) bảo trợ, là thành viên chính thức của IAEA từ năm 1957, tập trung vào lĩnh vực an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Việt Nam cũng tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NTP)- một trong những văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, có vai trò quan trọng với hầu hết mọi quốc gia, kể cả quốc gia có vũ khí hạt nhân lẫn phi vũ khí hạt nhân.

Từ việc tham gia Hiệp ước này, IAEA đã hỗ trợ Việt Nam duy trì Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và hỗ trợ triển khai nhiều ứng dụng hạt nhân quan trọng trong công nghiệp, nông nghiệp, y tế và an toàn bức xạ.

ttxvn-lo-phan-ung-da-lat.jpg
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Mới đây nhất, tại phiên họp phiên họp thường kỳ của Hội đồng thống đốc IAEA tại Viên, Áo vào đầu tháng 3/2025, Việt Nam cũng đã ký các thỏa thuận, hiệp định hợp tác song phương về hạt nhân dân sự giữa Việt Nam với một số quốc gia trong việc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Trong quá trình phát triển điện hạt nhân, thanh sát và bồi thường hạt nhân là một trong những nội dung quan trọng cần được triển khai theo quy định và cam kết quốc tế.

Liên quan đến nội dung này, ông Vương Hữu Tấn, Nguyên Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng hiện nay Việt Nam chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân, vì vậy, cần có tuyên bố chính sách của Nhà nước về bồi thường hạt nhân để có căn cứ trong đàm phán và ký kết các Hiệp định liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mới liên quan đến bồi thường hạt nhân;.

Đồng thời cần quy định chi tiết về bồi thường hạt nhân trong dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế để có thể áp dụng trong các Hiệp định liên chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mới giữa Việt Nam với các đối tác.

Pháp lý cho phát triển điện hạt nhân

Về hoàn thiện chính sách pháp lý cho phát triển điện hạt nhân, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cùng với các đơn vị trong khối Năng lượng nguyên tử đánh giá lại cơ sở hạ tầng quốc gia khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân, xây dựng đề án tổng thể phục vụ phát triển điện hạt nhân, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết trong năm 2025, Cục sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); tăng cường và bảo đảm chất lượng hoạt động thẩm định cấp phép, hoàn thành kế hoạch thanh tra an toàn bức xạ hạt nhân, đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế góp phần tăng cường năng lực kỹ thuật, mở rộng các dự án, chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân.

ttxvn-dien-hat-nhan-ninh-thuan-2.jpg
Khu vực quy hoạch xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng phát huy vai trò đầu mối quốc gia các công ước, điều ước quốc tế liên quan bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của quốc gia theo quy định và cam kết với các đối tác quốc tế, đặc biệt trong vấn đề thanh sát hạt nhân và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ hạt nhân khi Việt Nam tái khởi động chương trình điện hạt nhân, xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại buổi làm việc của Đoàn Công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận về dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngày 27/3 vừa qua, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân, ứng phó sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trịnh Minh Hoàng đề nghị trong dự án Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi cần bổ sung thêm quy định về thanh sát hạt nhân cũng như một số định nghĩa về thanh sát hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố hạt nhân…

Theo ông Trịnh Minh Hoàng, định nghĩa về thanh sát hạt nhân rất quan trọng nên cần phải thống nhất để thuận tiện trong việc thực hiện Nghị định thư bổ sung của Hiệp định Thanh sát, góp phần tạo điều kiện để tỉnh Ninh Thuận cùng với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan trong cả nước chủ động trong triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo đúng tiến độ đề ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Bình luận

Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Tin cùng chuyên mục

Đại lý của Tesla ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Hãng xe Tesla tìm cách tránh bão thuế quan ôtô

Xe Tesla được sản xuất tại Mỹ có thể phần nào bảo vệ công ty khỏi các mức thuế ôtô mới, mà theo các chuyên gia trong ngành sẽ làm tăng giá xe bán ra thêm hàng nghìn USD.