Đảm bảo an toàn đê biển vì bão số 4 có hoàn lưu gây mưa rất lớn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý các địa phương cần xác định bão số 4 là cơn bão nguy hiểm, có khả năng đổ bộ trong phạm vi rộng, tác động đến nhiều đối tượng hoạt động kinh tế.
Các địa phương tại Thái Bình chủ động cắt tỉa cành cây để tránh bão quật đổ. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Sáng 16/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại huyện Cát Hải và quận Đồ Sơn, Hải Phòng.

Sau khi kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, nhìn chung các địa phương thực hiện tích cực chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Bộ trưởng lưu ý, các địa phương cần xác định đây là cơn bão nguy hiểm, có khả năng đổ bộ trong phạm vi rộng, tác động đến nhiều đối tượng hoạt động kinh tế.

Tinh thần chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là không chủ quan; huy động lực lượng nòng cốt, các thành phần kinh tế, người dân cùng tham gia ứng phó bão.

Bên cạnh đó, hoàn lưu gây mưa của cơn bão này rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ.

Do đó, đối với các tỉnh, thành có biển, cần nâng cao cảnh giác, rà soát, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê biển, đới bờ và hoạt động kinh tế.

Đồng thời cần kiểm tra phương án phòng chống sạt lở khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là những công trình hạ tầng, công trình dân sinh; kiểm tra hệ thống hồ đập thủy lợi, thủy điện; chú trọng bảo vệ diện tích lúa vùng thấp khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đã thông báo cho 3.099 phương tiện với 11,458 lao động đang hoạt động trên biển, chủ 450 lồng bè với 1.239 lao động, chủ 299 chòi canh với 290 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Ủy ban Nhân dân quận Đồ Sơn cho biết, đã chủ động các phương án phòng chống bão số 4 để bảo vệ 400ha lúa mùa vụ, 13ha diện tích rau hè thu, 128ha cây ăn quả và 489ha nuôi trồng thủy sản.

Các phương án sơ tán dân, huy động nguồn lực, các công trình dự án xung yếu đều đã được quận chuẩn bị sẵn sàng.

Ngày 16/8, bão số 4 đã vượt qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) và đi vào phía Đông vịnh Bắc Bộ. Đây là cơn bão có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp các khu vực có nhiều trung tâm kinh tế lớn của đất nước và có nhiều hoạt động vận tải biển, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản...

[Chương Mỹ trực 24/24 giờ bảo vệ đê tả sông Bùi trước bão số 4]

Để chủ động ứng phó với bão số 4, Bộ Quốc phòng đã có Công điện khẩn chỉ đạo các đơn vị của quân đội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão theo dõi nắm chắc diễn biến của bão, duy trì nghiêm chế độ trực, bảo đảm an toàn cho lực lượng, trang bị, kho tàng; sẵn sàng huy động lực lượng phương tiện giúp dân phòng, chống bão số 4; phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm tra những khu vực đê, kè, hồ đập xung yếu, các khu vực có nguy cơ ngập lụt chia cắt, sạt lở đất..; sẵn sàng giúp địa phương di dời nhân dân đến nơi an toàn để tránh trú bão và hoàn lưu sau bão.

Tính đến 6 giờ 00 ngày 16/8, quân đội đã sẵn sàng huy động hơn 600 nghìn cán bộ, chiến sỹ, dân quân tự vệ, dự bị động viên; gần 3 nghìn phương tiện các loại (tàu, xuồng, ôtô, xe đặc chủng); các đơn vị thành lập kíp trực, tổ chức kiểm tra các khâu chuẩn bị cuối cùng sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão số 4.

Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm và hướng dẫn cho gần 40 nghìn phương tiện, hơn 150 nghìn người trên các phương tiện lồng bè, lều, chòi canh biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm bảo đảm an toàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục