Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa bão năm 2021.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, năm 2020, tại một số khu vực miền núi nước ta, tình trạng mưa lớn kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét đặc biệt nghiêm trọng, diện rộng ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Trong những tháng đầu năm 2021, khu vực miền núi phía Bắc đã xảy ra một số đợt giông lốc, sét, mưa đá. Đáng chú ý là dù chưa bước vào mùa mưa, song một số địa phương đã xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản. Đây là điều hiếm gặp, báo hiệu một năm thiên tai diễn biến khó lường trong khu vực.
[Thêm nhiều quy định về phòng cháy chữa cháy tại nhà chung cư]
Vì thế, để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và yêu cầu người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai ở địa phương.
Việc phòng, chống thiên tai cần được thực hiện theo 4 tài liệu đã được đăng tải trên trang Thông tin của Bộ Xây dựng, gồm: Hướng dẫn nhà an toàn phòng, chống bão lũ; hướng dẫn phân loại nhà an toàn; khuyến cáo lắp đặt bồn nước cho nhà và công trình; quy trình kiểm định các công trình an ten thu phát sóng viễn thông, truyền thanh truyền hình.
Đối với công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện việc rà soát, cập nhật, bổ sung các giải pháp ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu vào quy hoạch đô thị, khu dân cư phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu và những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai như lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; xác định mức độ ảnh hưởng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn để lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân; cảnh báo và chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn.
Với các công trình hạ tầng kỹ thuật, các địa phương cần rà soát, kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước của khu vực đô thị nhằm đảm bảo việc chống ngập úng khi mưa, lũ; kiểm tra các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; kiểm soát quy trình cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn điện và cung cấp nước sạch cho các vùng bị úng ngập.
Tương tự, đối với các công trình đang khai thác, sử dụng, các địa phương yêu cầu người dân, chủ sử dụng thực hiện giằng chống đảm bảo an toàn nhà ở trước mùa mưa bão; đối với các công trình sử dụng mái tôn, mái fibro xi măng, trần nhựa, cửa kính, bồn chứa nước trên cao phải được kiểm tra, rà soát và có biện pháp sửa chữa, gia cường; các công trình xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất như bờ sông, bờ suối, lũ ống, lũ quét phải có đánh giá, cảnh báo cho nhân dân.
Đối với các công trình tháp (trụ) viễn thông, truyền hình, các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng phải báo cáo chi tiết số lượng công trình đang quản lý, khai thác, sử dụng, đặc biệt là đối với các công trình đặt tại các vị trí xung yếu như: Ven biển, hải đảo, khu vực thường xuyên chịu tác động của bão, lũ, xâm thực, khu vực đông dân cư; lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức thực hiện công tác kiểm định chất lượng công trình sớm phát hiện các nguy cơ, làm tốt công tác bảo trì năm 2021.
Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành các cột điện bê tông cốt thép trên địa bàn tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại các loại cột điện bê tông cốt thép ly tâm hiện hữu đang khai thác; đảm bảo an toàn hành lang lưới điện trong mùa mưa bão.
Ngoài ra, các địa phương rà soát, kiểm tra, kiểm định an toàn các hồ đập trước mùa mưa bão; kiểm tra quy trình vận hành hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho lưu vực hạ du../.