Sau khi kiểm tra tại 8 nhà máy thủy điện Ry Ninh II, Chư Prông, Ia H’rung, Ia Grai 1, Đăk Srông 3A, Đăk Srông 3B, Đăk Srông 2 và H’Mun trong thời gian từ ngày 27-30/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy thống nhất các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy điện, nhất là trong mùa mưa bão.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh các biện pháp này cần thực hiện thường xuyên, lâu dài và mang tính bền vững. Vì vậy, Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp cần có văn bản gửi các địa phương cung cấp thông tin (kết luận của công tác kiểm tra), Văn bản gửi chủ đầu tư yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn các công trình thủy điện theo quy định của pháp luật.
Theo kết quả kiểm tra thì 8/8 nhà máy thủy điện đã có ý thức thực hiện các quy định tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, Thông tư số 34/2010/TT-BCT về quản lý an toàn đập các công trình thủy điện. Cùng đó, các thủy điện này cũng đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể, tất cả các nhà máy đã thực hiện báo cáo hiện trạng an toàn đập các năm 2015, 2016 (các đập đều là đập xả tràn tự do).
Cùng với đó, các nhà máy đều đã xây dựng, ban hành các quy trình bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành thử các thiết bị vận hành trên tuyến đập (cửa nhận nước, cửa xả đáy) cũng như tổ chức kiểm tra, sửa chữa các hạng mục trước mùa mưa lũ và lập sổ theo dõi kiểm tra tại nhà máy.
Về cơ bản, các nhà máy đã thực hiện vận hành hồ chứa theo quy trình được cấp thẩm quyền phê duyệt (5/8 nhà máy được Bộ Công Thương phê duyệt; 3 nhà máy còn lại do Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai phê duyệt); thường xuyên quan trắc mực nước hồ và hàng ngày cập nhật trên website hồ chứa của Bộ Công Thương và ghi sổ nhật ký vận hành tại nhà máy.
Ngoài ra, các nhà máy cũng xây dựng quy chế phối hợp với địa phương và chủ đầu tư các thủy điện trên bậc thang về vận hành, xả lũ. Tất cả các nhà máy đều lắp còi báo cho hạ du khi vận hành, xả lũ.
Đối với việc quan trắc đập thì có tới 6/8 đập đã lắp đặt quan trắc, còn lại 2 đập là đập thủy điện Chư Prông và Ia H’rung chưa thực hiện.
Ngoài ra, 8 nhà máy đã hoàn thành cắm mốc giới xác định vùng phụ cận bảo vệ đập; đã lập phương án bảo vệ đập và được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Hơn nữa, các nhà máy này đã cập nhật bổ sung phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập năm 2016 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Việc kiểm định an toàn đập thực hành nghiêm túc qua việc 7/8 đập đã đến kỳ kiểm định và chủ đập đã thuê tư vấn thực hiện hoàn thành việc kiểm định an toàn đập (trong năm 2013 và 2014).
Báo cáo kiểm định của tư vấn cho thấy, các đập được kiểm định đều đảm bảo an toàn tại thời điểm kiểm định. Riêng đập thủy điện Đắk Srông 3A, chủ đập đang tiến hành kiểm định an toàn đập theo quy định.
Việc lưu trữ hồ sơ tài liệu kỹ thuật của đập được hầu hết các chủ đập lưu trữ, quản lý đầy đủ. Riêng nhà máy thủy điện Đăk Srông 2, việc quản lý hồ sơ chưa tuân thủ quy định, tại thời điểm kiểm tra còn thiếu nhiều tài liệu cần thiết.
Đặc biệt, 8 nhà máy đã xây dựng và ban hành kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của nhà máy theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.
Trước mùa mưa lũ năm 2016, cả 8 nhà máy thủy điện đã được Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương thuộc tỉnh Gia Lai kiểm tra.
Hiện nay, các chủ đập đã và đang khắc phục các tồn tại theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Đoàn kiểm tra cũng đã yêu cầu các đơn vị thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương tỉnh Gia Lai để theo dõi, kiểm tra; đề nghị Sở Công Thương tỉnh Gia Lai kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục các tồn tại của 8 Nhà máy thủy điện và báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện./.