Chiều 15/7, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp phòng chống bão Rammasun sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 2.
Chủ trì cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão.
Hiện vùng nguy hiểm được xác định từ Vĩ tuyến 13 trở lên phía Bắc là khá rộng nên cần thường xuyên cập nhật để xác định vùng nguy hiểm chính xác hơn.
Đặc biệt các tỉnh Bắc Bộ cần đề phòng mưa lớn, nếu khả năng bão vào bờ có thể ở cấp 8-9 nên cần lưu ý các biện pháp phòng tránh.
Riêng đối với 79 tàu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, lực lượng Biên phòng cần nắm chắc từng tàu để kêu gọi đi về phía Nam hoặc di chuyển vào bờ.
Đối với các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang hoạt động ở khu vực giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) cũng cần tính toán thời gian để ứng phó với bão, đảm bảo an toàn.
Đối với các giàn khoan dầu khí của Việt Nam, Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung chỉ đạo để đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị. Bộ Giao thông Vận tải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, tránh tình trạng giao thông bị chia cắt.
Phó Thủ tướng lưu ý cơn bão này diễn ra vào đúng đầu mùa nên các địa phương cần rà soát các hồ chứa, những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán, di dời người dân đảm bảo an toàn; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chằng chống nhà cửa; chú ý thực hiện các phương án tiêu nước. Các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết khoảng từ trưa đến chiều mai (16/7) bão Rammasun sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 2. Khi vào Biển Đông, bão số 2 ở cấp 11-12 và sau đó có khả năng mạnh thêm.
Dự báo khoảng ngày 19-20/7, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh ven biển Bắc Bộ, cường độ bão đạt cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 19-22/7 tại các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa lớn, tổng lượng mưa dự kiến khoảng 200-300mm.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 15 giờ ngày 15/7, lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với các địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 58.406 tàu với 235.082 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Hiện mực nước trong các hệ thống thủy lợi đang ở mức thấp. Các địa phương đã kiểm tra, đánh giá hiện trạng các trạm bơm tiêu, cống tiêu, chủ động bảo dưỡng các trạm bơm bảo đảm vận hành tiêu úng khi có mưa lớn.
Mực nước các hồ chưa vừa và lớn đang ở mức thấp, đạt khoảng 50% dung tích thiết kế. Một số hồ đạt ở mức cao như Yên Lập ở mức 74%, Đầm Hà Động đạt 86%, Khuôn Thần 79%, Bò Lạc 81,8%.
Các hồ chứa nhỏ hầu hết đạt 40-65% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa nhỏ của tỉnh Bắc Giang đã đạt dung tích thiết kế gồm Chùa Sừng, Hàm Rồng, Lòng Thuyền.
Các hồ chứa nhỏ có nguy cơ mất an toàn đã được địa phương chủ động tích nước thấp, xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho công trình và thường xuyên theo dõi, kiểm tra.
Theo báo cáo nhanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mực nước các hồ chứa Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang đang ở mức thấp.
Khu vực Bắc Bộ có 7/17 hồ có mực nước xấp xỉ hoặc đạt mực nước dâng bình thường. Hiện có bốn hồ đang xả tràn và dự kiến tiếp tục xả.
Ở khu vực Bắc Trung Bộ, hầu hết mực nước các hồ đều đạt khá thấp so với mực nước dâng bình thường.
Hiện khu vực Bắc Bộ đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Đông Xuân, chỉ còn khoảng 20.000ha ở một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Đối với sản xuất lúa vụ Hè Thu và vụ mùa 2014, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã cấy xong 175.000ha lúa mùa, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc đã cấy được khoảng 850.000/985.000ha./.