Ngày 13/3, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu, bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Philippines, phát biểu trong phiên đối thoại về Báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc về chủ đề các biện pháp giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Mai Phan Dũng khẳng định đảm bảo an ninh lương thực luôn là ưu tiên hàng đầu của các nước, đặc biệt trong bối cảnh những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương trước nạn đói và suy dinh dưỡng. Biến đổi khí hậu ngày càng gây khó khăn cho việc sản xuất và tiếp cận lương thực, đặc biệt là ở những khu vực dễ bị tổn thương, làm suy yếu an ninh lương thực, dinh dưỡng và việc thực hiện đầy đủ quyền lương thực.
Đại sứ cảm ơn Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc đã đề cập vấn đề quan trọng này xuyên suốt trong báo cáo của mình và đưa ra những khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đối với việc thực hiện đầy đủ quyền có lương thực.
Một trong những biện pháp được đề xuất trong báo cáo nêu trên là việc xây dựng và triển khai các chính sách đảm bảo chuyển đổi công bằng sang các hệ thống thực phẩm bền vững hơn.
Đại sứ đề nghị Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc phân tích rõ hơn vấn đề này, đề xuất các biện pháp mà các quốc gia, nhất là những quốc gia có định hướng xuất khẩu lương thực, có thể chuyển đổi các hoạt động nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, đồng thời duy trì sinh kế ổn định và kinh tế thịnh vượng./.
Việt Nam kêu gọi giảm tác động của biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực
Đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh nghèo đói vừa là gốc rễ, vừa là hậu quả của xung đột, trong khi biến đổi khí hậu là tác nhân làm trầm trọng hơn tình trạng mất an ninh lương thực.