Phát biểu tại cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và kế hoạch năm 2024 được tổ chức vào đầu tháng Hai vừa qua, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định ưu tiên hàng đầu của tỉnh Đắk Nông trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh là thực hiện có hiệu quả, bền vững công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, xuyên suốt quá trình phát triển, tỉnh luôn xác định “cái gì thiết thực cho dân phải làm trước," “ưu tiên hàng đầu là chăm lo cho cuộc sống người dân," và “nhiều năm nay, dù là tỉnh nghèo Đắk Nông vẫn ưu tiên nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo."
Giảm nghèo trọng tâm, bền vững
Nhiều năm trước, Bon Choih, xã Đức Xuyên là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Krông Nô nói riêng và tỉnh Đắk Nông nói chung. Tại đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, nhà ở tạm bợ.
Thêm nữa, đất đai cằn cỗi, điều kiện canh tác lạc hậu khiến năng suất cây trồng đạt thấp, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải xin trợ cấp gạo vào mùa giáp hạt.
Cái khó của Bon Choih cũng như các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông là điều kiện cơ sở hạ tầng thiết yếu còn quá hạn chế. Điển hình là đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi...
Đây chính là rào cản trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, với việc ưu tiên nguồn lực của trung ương và của tỉnh thông qua các chương trình Mục tiêu Quốc gia, hệ thống hạ tầng thiết yếu tại Bon Choih dần được đầu tư xây dựng và hoàn thiện.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ về nhà ở, đất sản xuất được triển khai kịp thời, đồng bộ đã giúp các hộ dân dần hội tụ các điều kiện thiết yếu để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
“Chúng tôi cũng tập trung cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Trong quá trình thực hiện, cán bộ xã thường xuyên thăm hỏi, động viên, nắm bắt các nguyện vọng của bà con để có biện pháp hỗ trợ kịp thời," ông Hồ Quốc Bảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đức Xuyên chia sẻ.
Đến hết năm 2023, toàn xã Đức Xuyên chỉ còn 40 hộ nghèo và là địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo nhất, nhì huyện Krông Nô.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của toàn huyện.
Tương tự, công tác giảm nghèo tại huyện Đắk Glong, một trong hai huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua cũng gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Đây cũng là 1 trong 22 huyện được hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng huyện nghèo theo Quyết định 880/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chỉnh phủ về phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025.
Theo kế hoạch hỗ trợ huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành vào cuối tháng 12/2022 (Kế hoạch số 797), tỉnh Đắk Nông xác định sẽ thực hiện hiệu quả hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững tại huyện Đắk Glong.
Trong đó, trọng tâm là giảm dần khoảng cách giàu nghèo giữa các xã, các thôn, bon; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng theo kế hoạch, Đắk Nông phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện Đắk Glong bình quân hằng năm giảm trên 7%. Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% vào năm 2025.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân đầu người tại huyện Đắk Glong vào năm 2025 lên thấp nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản sẽ được hỗ trợ một phần để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Để thực hiện các mục tiêu này, Đắk Nông đã tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện Đắk Glong, trong đó, một trong những nguồn lực lớn là từ 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia. Tổng nguồn vốn của 3 chương trình trong 2 năm 2022, 2023 hơn 535 tỷ đồng.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Đắk Glong, năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 41,53 triệu đồng, gần đạt so với kế hoạch đề ra.
Điển hình là tỷ lệ hộ nghèo nghèo giảm 12%, cao gấp đôi so với kế hoạch, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số giảm 6%; các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, sử dụng điện lưới quốc gia, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn… đều đạt hoặc vượt so với kế hoạch đề ra.
Dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về giảm nghèo
Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đồng bào 40 dân tộc anh em tỉnh Đắk Nông đã ra sức thi đua lao động, sản xuất, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, đưa Đắk Nông thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá ở Tây Nguyên vào năm 2025.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, thời gian qua, thông qua việc triển khai các chương trình Mục tiêu Quốc gia như chương trình giảm nghèo bền vững; chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; và các chương trình, chính sách dân tộc… đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh-chính trị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,7% năm 2005 còn 7,97% năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 4-5%.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang tập trung thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 1.150 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững gần 600 tỷ đồng; và Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 1.050 tỷ đồng.
Tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả các tiểu dự án thành phần về giảm nghèo như Tiểu dự án về Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo; Dự án Đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo; Dự án Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cải thiện dinh dưỡng; Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…
Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa… được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từ đó, đã củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị-xã hội địa phương.
Tại kỳ họp lần thứ 7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào cuối tháng 12/2023, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông khẳng định Đắk Nông là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về công tác giảm nghèo.
Trong năm 2023, kết quả giảm nghèo chung của tỉnh Đắk Nông đạt 2,79% và tỷ lệ giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ đạt 8,1% (vượt kế hoạch 5%)./.
Đồng bộ các giải pháp, kế hoạch giảm nghèo
Để chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Chương trình số 26-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII về nâng cao đời sống vật chất-tinh thần cho người dân, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành nhiều nghị quyết để thực hiện chương trình giảm nghèo, chú trọng giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể, Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết Quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông… Nghị quyết quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình Mục tiêu Quốc gia, giữa các chương trình Mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án khác…
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông cụ thể hóa thành chương trình, chính sách để thực hiện công tác giảm nghèo.
Cụ thể, chương trình nâng cao đời sống vật chất-tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025; công tác kết nghĩa, đỡ đầu giữa cơ quan, đơn vị với các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; chính sách hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ để cải thiện nhà ở, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, bảo hiểm y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, điện sinh hoạt, kết nối các dịch vụ viễn thông…/.
Đắk Nông vươn mình mạnh mẽ sau 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển
Sau 20 năm thành lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) của Đắk Nông tăng gấp 24 lần lên mức 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 12 lần, đạt trên 60 triệu đồng.