Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam), cho biết đơn vị đã trồng hơn 30ha rừng trên đất hoàn nguyên sau khai thác bauxite.
Thông tin này là một nội dung quan trọng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Sau gần một năm, diện tích keo trồng trên đất hoàn nguyên sau khai thác bauxite đã sinh trưởng và phát triển xanh tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu về hạn chế tình trạng xói lở, rửa trôi đất mặt, dần dần hình thành một “vành đai xanh” xung quanh khu vực khai thác mỏ.
Công ty đang tiếp tục trồng rừng phục hồi môi trường trên diện tích gần 200ha đã khai thác bauxite.
[Bauxite Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường]
“Đây là một yêu cầu quan trọng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Chúng tôi cũng thực hiện nghiêm túc các nội dung khác như vấn đề hoàn thổ sau khai thác bauxite; cải tạo hệ thống thoát nước cho khai trường; cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản,” ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông nhấn mạnh.
Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đánh giá nhìn chung công tác trồng rừng, phục hồi môi trường sau khai thác bauxite đang được thực hiện khá tốt.
Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Nông cũng đang trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới trên loại đất này như sao đen, muồng đen, keo lá tràm, sầu riêng, bơ, mít, ngô, đậu đỗ và khoai lang...
Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, tổng diện tích đất được đưa vào khai thác bauxite phục vụ chế biến alumin tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông là 3.250ha.
Công suất khai thác 4,5 triệu tấn quặng mỗi năm. Thời gian khai thác là 34 năm (bao gồm xây dựng cơ bản, khai thác, cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ)./.