Tỉnh ủy Đắk Nông xác định, đến năm 2025, độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 40%, tăng gần 2% so với thời điểm hiện nay.
Đồng thời, đến năm 2030, độ che phủ rừng của tỉnh đạt trên 42%, bằng tỷ lệ chung của cả nước hiện nay.
Thẳng thắn nhìn nhận các khó khăn, tồn tại
Từ một địa phương “toàn là rừng,” Đắk Nông hiện có tỷ lệ che phủ rừng thấp hơn mức bình quân của cả nước. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông có một vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa, và đặc biệt là bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, việc rừng bị tàn phá đã dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề. Trước mắt, đó là tình trạng khô hạn xảy ra khắp các địa phương trong tỉnh với chiều hướng ngày càng gay gắt; các hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường như lũ lụt, sạt lở diễn ra thường xuyên với chiều hướng ngày càng phức tạp hơn.
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy Đắk Nông vừa ban hành Nghị quyết về quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng bền vững; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030.
[Quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Nông]
Theo Nghị quyết, hiện tỉnh Đắk Nông có hơn 329.000ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Theo báo cáo mới nhất của ngành chức năng về hiện trạng rừng, toàn tỉnh hiện có hơn 247.000ha đất có rừng (trong đó có hơn 196.000ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng) và gần 82.000ha đất chưa có rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông năm 2020 là 38.02%, thấp hơn gần 4% so với tỷ lệ chung của cả nước (42,01%).
“Công tác quản lý đất lâm nghiệp sau khi bị chặt phá, lấn, chiếm còn nhiều yếu kém. Việc trồng lại rừng trên các diện tích này vẫn còn nhiều khó khăn và tỷ lệ còn khiêm tốn so với diện tích thực tế. Thêm nữa, việc bồi thường thiệt hại đối với diện tích rừng bị tàn phá, diện tích đất rừng bị lấn chiếm do các đơn vị chủ rừng buông lỏng quản lý vẫn chưa được giải quyết dứt điểm…,” Nghị quyết của Tỉnh ủy Đắk Nông nêu rõ.
Nhìn chung, công tác quản lý, bảo vệ rừng tỉnh Đắk Nông vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều đơn vị được giao đất, giao rừng quản lý yếu kém; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép để lấy đất sản xuất tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp.
Công tác quy hoạch ba loại rừng còn nhiều bất cập, hiện trạng rừng không phản ánh đúng thực tế, dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác quản lý.
Thêm nữa, tại nhiều khu vực, chất lượng rừng tự nhiên đang suy giảm; nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng không được xử lý đến nơi đến chốn dẫn tới nhiều “tiền lệ” xấu trong quản lý, bảo vệ rừng và thực thi các quy định pháp luật liên quan.
Cũng theo Nghị quyết, nguồn lực tài chính quan trọng, chủ chốt để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong mấy năm gần đây là chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn lực chính để các đơn vị chủ rừng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có.
Nhiều đơn vị thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đã góp phần huy động được nguồn lực trong nhân dân, vừa nâng cao nhận thức của người dân, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương, nhất là trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Nhìn chung, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đang đáp ứng được khoảng 70% nguồn lực tài chính cho công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay. Đây thực sự là một nguồn lực quan trọng, giảm sức ép lên ngân sách Nhà nước.
Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông, trong năm 2021, Quỹ dự kiến thu gần 98,5 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ba nguồn thu chính là từ các cơ sở sản xuất thủy điện, các cơ sở sản xuất nước sạch, và các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Giữ vững diện tích rừng hiện có
Tỉnh ủy Đắk Nông đặt mục tiêu nâng cao độ che phủ rừng của toàn tỉnh lên 40% vào năm 2025 và 42% vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, trước tiên Đắk Nông xác định giữ vững diện tích rừng hiện có.
Đồng thời, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm 13.000ha rừng (bao gồm khoanh nuôi, tái sinh diện tích hơn 5.000ha rừng; và trồng mới khoảng 8.000ha rừng, bao gồm trồng rừng tập trung, trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp, và phát triển các loài cây đa mục đích và các loài cây công nghiệp có tán che lớn như điều, mắc ca, cao su..).
Tỉnh Đắk Nông cũng phấn đấu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu lâm sản tăng từ 1,5-2 lần so với con số khoảng 250 tỷ đồng vào năm 2020.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, Đắk Nông sẽ tập trung các giải pháp quyết liệt, đồng bộ và cụ thể.
Đầu tiên, tỉnh gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và quản lý đất lâm nghiệp sau khi rừng bị tàn phá, lấn chiếm cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Song song với đó, các cơ quan tố tụng tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Đối với các vấn đề bất cập, tồn tại trong quy hoạch ba loại rừng, Đắk Nông chỉ đạo xây dựng quy hoạch ba loại rừng thống nhất với số liệu quy hoạch sử dụng đất, tích hợp chung vào quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khắc phục triệt để các điểm bất hợp lý trong quy hoạch ba loại rừng, nhất là tình trạng nhiều diện tích trên giấy tờ là rừng, nhưng trên thực tế là nương rẫy, đất trống, đồi trọc.
Đắk Nông cũng đặt mục tiêu trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích bị phá sau ngày 1/7/2014; Chỉ đạo các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ khôi phục diện tích rừng thông phòng hộ, cảnh quan ven Quốc lộ 14 và Quốc lộ 28.
Bên cạnh nguồn lực từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Đắk Nông cũng gắn phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp bền vững và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, người dân để bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao độ che phủ và phát triển các mô hình kinh tế rừng bền vững.
Tỉnh đặt mục tiêu phát triển rừng bằng phương thức nông lâm kết hợp trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo cơ chế liên doanh, liên kết với người dân. Đây là chương trình đa mục đích, vừa đảm bảo độ che phủ rừng, ổn định dân cư, an ninh trật tự, và đảm bảo sinh kế cho người dân cũng như các mục tiêu môi trường khác.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung hình thành vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có diện tích lớn, tập trung và ổn định; đồng thời khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư liên kết, hợp tác phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến gỗ, lâm sản xuất khẩu.
Đối với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Đắk Nông xác định tập trung các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả hơn.
Đồng thời, từng bước tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu, hành lang pháp lý để tiếp cận và tham gia thị trường carbon…, tạo nguồn lực tài chính lớn hơn để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.