Thời gian qua, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chương trình phối hợp, hỗ trợ hiệu quả cộng đồng các dân tộc sống tại các khu vực vùng đệm của đơn vị. Đây được coi là giải pháp hiệu quả, bền vững trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại một trong những khu vực đa dạng sinh học bật nhất Tây Nguyên hiện nay.
Hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng vùng đệm
Nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã triển khai hỗ trợ cộng đồng cho 26 thôn, bon thuộc 5 xã nằm trên địa bàn vùng đệm của đơn vị thuộc địa giới hành chính 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng.
Vườn Quốc gia Tà Đùng - Kỳ quan ấn tượng giữa đại ngàn Tây Nguyên
Có 26 thôn, bon thuộc các xã Đắk Som, Đắk R’Măng (Đắk Nông) và xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đinh Trang Thượng (Lâm Đồng) được hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2023.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, rừng, đất rừng đơn vị được giao quản lý nằm trải dài trên địa giới hành chính ở 7 xã, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Trên lâm phần đơn vị được giao quản lý có địa hình phức tạp, người dân có lịch sử canh tác từ lâu đời.
Thế nên, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng tại đây gặp nhiều khó khăn, thử thách. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân sống gần rừng, đáp ứng nguyện vọng thực tế của địa phương, góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, đất rừng Vườn Quốc gia Tà Đùng.
Thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế, việc triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển vùng đệm nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của người dân vùng đệm vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Trong đó, hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư vùng đệm nâng cao năng lực phát triển sản xuất, bao gồm: khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây, giống con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn, bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hoá…).
Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tham gia họp các thôn, bon để hướng dẫn các nội dung được hỗ trợ và các nội và thực hiện các cam kết bảo vệ rừng. Đại diện các thôn, bon đã ký cam kết bảo vệ rừng, trong đó, cam kết thực hiện đúng quy định Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật Hình sự; Luật Đa dạng Sinh học; Luật Lâm nghiệp; một số Nghị định của Chính phủ về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã.
Tại các buổi họp, người dân các thôn, bon vùng đệm đều cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản, có trách nhiệm khuyến cáo, giáo dục các thành viên trong thôn/bon và gia đình thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, tham gia quản lý bảo vệ rừng và cam kết sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng.
Trong tháng 7/2023, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã tiến hành nghiệm thu các công trình hỗ trợ cộng đồng vùng đệm. Kết quả 26/26 thôn, bon hoàn thành xây dựng 26 công trình cộng đồng, bao gồm xây dựng cổng chào, hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, xây dựng công trình đường giao thông nông thôn... với tổng kinh phí 1,04 tỷ đồng.
Giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng
Theo phương án khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 tại Vườn Quốc gia Tà Đùng, đơn vị giao hơn 3.000ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch đất rừng đặc dụng cho 153 hộ dân (chia làm 14 tổ). Đây là các hộ gia đình người dân tộc thiểu số có tâm huyết và có đủ sức khoẻ tham gia bảo vệ rừng.
Các hộ dân đang sinh sống tại các xã Đắk Som, Đắk R’Măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) và các xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng). Nguồn vốn thực hiện từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm và vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Trong giai đoạn 2021-2023, lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đã phối hợp Kiểm lâm của Vườn Quốc gia Tà Đùng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Đặc biệt là tại các vị trí trọng điểm dễ xảy ra các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, săn bắt động vật rừng trái phép. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023 đã tiến hành phối hợp tuần tra rừng 919 lần với hơn 4.200 lượt người tham gia.
Trong đó, tuần tra, truy quét dài ngày 35 lượt; phát hiện và tháo gỡ 212 bẫy thú; 5 lán trại dựng trái phép trong rừng; nhổ bỏ gần 450 cây cà phê trồng trái phép trên diện tích 2.500m2. Phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.
Bên cạnh công tác bảo vệ rừng, các hộ dân nhận khoán cũng rất tích cực trong việc tham gia công tác phát triển rừng, trồng mới, kiểm tra rừng trồng thay thế.
Nhìn chung, phương án khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2025 tại Vườn Quốc gia Tà Đùng được triển khai đã góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho các hộ gia đình sống trong vùng đệm của đơn vị. Thông qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tổng kinh phí thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2021-2023 tại Vườn Quốc gia Tà Đùng gần 6 tỷ đồng. Trung bình mỗi hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng nhận được số tiền hơn 13 triệu đồng/hộ/năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện phương án khoán bảo vệ rừng vẫn còn gặp một số khó khăn. Điển hình là diện tích quản lý rộng, địa hình phức tạp. Đồng thời, diện tích nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Nông-Lâm Đồng và việc ngăn dòng thuỷ điện Đồng Nai 3 nên áp lực lên tài nguyên rừng ngày càng lớn.
Thêm nữa, kinh phí chi trả cho các hộ nhận khoán còn thấp, chưa tương xứng. Dù đã thực hiện phương án được 3 năm nhưng ngành chức năng bố trí được nguồn ngân sách hỗ trợ cho công tác khoán bảo vệ rừng
Để nâng cao hiệu quả phương án khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đang tiếp tục đổi mới cách thức huy động sự tham gia, cách thức tuần tra có hiệu quả của lực lượng nhận khoán; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ của lực lượng nhận khoán thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; Thường xuyên đôn đốc các tổ, hộ nhận khoán tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng của Vườn Quốc gia Tà Đùng.
VƯỜN QUỐC GIA TÀ ĐÙNG TRỰC THUỘC Ủy ban Nhân dân TỈNH ĐẮK NÔNG
Vườn Quốc gia Tà Đùng được thành lập theo Quyết định 185/QĐ-TTg, ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chuyển hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thành Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông.
Tổng diện tích tự nhiên theo quy hoạch của Vườn Quốc gia Tà Đùng gần 21.000ha. Tổng diện tích vùng đệm của Vườn quốc gia gần 25.000ha. Ngày 3/10/2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ công bố quyết định chuyển Vườn Quốc gia Tà Đùng từ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Nông thành đơn vị trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông.
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, độ che phủ rừng trên diện tích đơn vị được giao quản lý hiện nay là 85%. Chiều dài bao quanh toàn bộ diện tích đơn vị được giao quản lý lên đến 140km.
Chiều dài từ trụ sở Vườn Quốc gia đến một số trạm quản lý, bảo vệ rừng gần 150km, đường sá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng của Vườn Quốc gia Tà Đùng thuộc diện thiếu thốn và yếu nhất so với 30 Vườn Quốc gia hiện có trong cả nước./.