Đắk Nông nỗ lực phát triển rừng, đảm bảo độ che phủ 40% vào năm 2025

Mấy năm gần đây, việc phát triển rừng đã giúp nhiều doanh nghiệp, hộ dân có diện tích đất lâm nghiệp ưu tiên phát triển loại cây này vì thời gian sinh trưởng nhanh, lợi nhuận đạt khá.

Việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Đắk Nông gặp nhiều thách thức trong các năm qua. (Nguồn: Minh Hưng/Vietnam+)
Việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Đắk Nông gặp nhiều thách thức trong các năm qua. (Nguồn: Minh Hưng/Vietnam+)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, trong năm 2024, toàn tỉnh đã trồng mới gần 2.400ha rừng, vượt gần 20% so với kế hoạch được giao.

Tổng diện tích rừng trồng và tái sinh đạt gần 3.560ha, giúp tỉnh Đắk Nông nâng độ che phủ rừng lên 39,5%.

Nhiều điểm sáng trong phát triển rừng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, việc hoàn thành vượt kế hoạch được giao về phát triển rừng (bao gồm trồng rừng tập trung, trồng nông lâm kết hợp, trồng cây phân tán, và khoanh nuôi, tái sinh rừng) trong năm 2024 đã góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp dự kiến sẽ nâng được độ che phủ rừng năm 2025 lên 40%.

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn (trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông) là một trong các doanh nghiệp làm tốt công tác trồng rừng, phát triển rừng trong năm 2024. Tổng diện tích rừng doanh nghiệp này trồng, tái sinh trong năm hơn 170ha, trong đó hơn 130ha là rừng trồng tập trung. Các loại cây được trồng phổ biến là thông, keo lai…

Việc phát triển rừng trên lâm phần được giao cho Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn trong năm qua là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của Công ty, trong đó có sự đóng góp, hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương.

“Các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất lâm nghiệp. Liên tục trong các năm qua, ngành chức năng huyện Đắk Glong đã tổ chức nhiều đợt cưỡng chế, thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép và bàn giao lại cho Công ty để bảo vệ, trồng lại rừng. Nhiều trường hợp người dân thấy cơ quan chức năng làm quyết liệt, mạnh tay xử lý hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng đã phối hợp với Công ty trong việc trồng, tái sinh rừng,” ông Trần Hữu Dưỡng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn thông tin thêm.

Tương tự, theo Ủy ban Nhân dân xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, trong năm trên địa bàn xã đã phát triển được gần 250ha rừng. Đây chủ yếu là diện tích một số doanh nghiệp tư nhân được giao đất, giao rừng trên địa bàn trồng lại rừng sau khai thác.

Trong đó, các doanh nghiệp có diện tích trồng rừng lớn như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Biển Xanh, Công ty Cổ phẩn trồng rừng Trường Thành… Mấy năm gần đây, việc phát triển rừng, nhất là rừng sản xuất gặp nhiều thuận lợi nhờ giá cây keo lai tăng, nhiều doanh nghiệp, hộ dân có diện tích đất lâm nghiệp ưu tiên phát triển loại cây này vì thời gian sinh trưởng nhanh, lợi nhuận đạt khá.

Theo ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quảng Khê, một trong những ưu tiên của xã trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là khuyến khích, yêu cầu người dân tập trung khoanh nuôi, tái sinh rừng. Nhất là tại các vị trí đất đai có độ dốc lớn, ven các tuyến đường giao thông (Quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ…), các công trình hạ tầng, dân sinh… Việc làm này vừa góp phần tái sinh rừng, nâng cao độ che phủ, vừa góp phần hạn chế nguy cơ sạt lở, xói lở đất đai, ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng các công trình, dự án giao thông.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, trong năm 2024, các huyện dẫn đầu cả tỉnh về phát triển gồm Đắk Glong (gần 1.600ha), Krông Nô (gần 1.200ha) và Tuy Đức (hơn 600ha). Đối với cấp xã, Ủy ban Nhân dân xã Quảng Khê là đơn vị dẫn đầu cả tỉnh với diện tích gần 250ha, kế đến là Ủy ban Nhân dân các xã Đắk Plao, Đắk Rmăng, Quảng Sơn, Đắk Ha (cùng thuộc huyện Đắk Glong)…

Đối với các doanh nghiệp, dẫn đầu cả tỉnh là Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Khải Vy (hơn 220ha); Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn (170ha); Công ty MJ Việt Nam (gần 120ha)…

01.jpg
Rừng keo lai 1 năm tuổi tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. (Nguồn:Minh Hưng/Vietnam+)

Chủ động phát triển rừng, đảm bảo độ che phủ rừng 40% vào năm 2025

Theo một số đơn vị chủ rừng, bên cạnh việc trồng, tái sinh rừng, thì việc giữ rừng, phòng chống các hành vi phá hoại, tái lấn chiếm, phòng cháy chữa cháy rừng cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Nhất là trong bối cảnh giá cả các loại nông sản chủ lực (như càphê, hồ tiêu, sầu riêng…) đang tăng cao và người dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh biên giới phía Bắc vẫn đều đặn đến các địa phương tỉnh Đắk Nông.

Trao đổi về nội dung này, ông Trần Hữu Dưỡng, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn cho biết, diện tích rừng, đất lâm nghiệp Công ty được giao quản lý, bảo vệ rất lớn.

Trong đó, các diện tích vừa trồng rừng, tái sinh rừng nằm manh mún trên nhiều lâm phần khác nhau, trong đó có nhiều diện tích nằm gần Quốc lộ 28, các tuyến đường chính, hoặc giáp đất đai, nương rẫy của người dân nên việc quản lý, bảo vệ rất khó khăn. Công ty đã huy động nhân lực, vật lực, đồng thời tổ chức túc trực 24/24 để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Cũng theo Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Quảng Sơn, hiện nguồn lực phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng rất hạn chế. Thu nhập của nhân viên quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty không đủ trang trải cuộc sống nên nhiều nhân viên muốn nghỉ việc.

Công ty mong muốn các ngành chức năng sớm có thêm các giải pháp hỗ trợ, bố trí kinh phí để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, trong giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 5.545 ha rừng tập trung. Hiện, các các đơn vị, hộ gia đình đang tiếp tục tập trung chăm sóc, bảo vệ.

Theo công bố hiện trạng rừng mới nhất, tổng diện tích đất có rừng của tỉnh Đắk Nông gần 255.000 ha (tỷ lệ che phủ rừng là 39,51%).

Từ năm 2020 đến nay, diện tích rừng của tỉnh Đắk Nông cũng tăng đều đặn hàng năm. Nhờ đỏ, tỷ lệ che phủ rừng được nâng cao. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng là 38,06%; năm 2021 là 38,15%; năm 2022 là 38,52%; năm 2023 là 39,07 %; năm 2024 là 39,51%.

Để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đạt trên 40% vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương soát diện tích đất chưa có rừng thuộc quy hoạch phát triển rừng, xác định diện tích phù hợp xây dựng kế hoạch phát triển rừng; đồng thời, đề nghị các địa phương hỗ trợ các đơn vị chủ rừng xử lý đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm tạo quỹ đất phục vụ công tác phát triển rừng nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng đã đề ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông cũng tăng cường huy động các nguồn lực (ngân sách, liên kết, nguồn lực từ xã hội hóa, vốn góp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán); kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án, dự án theo quy định của pháp luật để triển khai công tác phát triển rừng.

Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông thường xuyên chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong triển khai các hoạt động chốt chặn, tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng; tập trung tại các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao xảy ra tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động đoàn kiểm tra, thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp./.

LẬP CHỐT LIÊN NGÀNH TẠI CÁC KHU VỰC CÓ NGUY CƠ CAO

Trong tháng 11/2024, toàn tỉnh Đắk Nông phát hiện và lập biên bản xử lý 38 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Trong số này, có 27 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 7ha rừng. So với tháng 10/2024, phá rừng tăng 10 vụ (tăng gần 60. Hai địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng nhất đó là Đắk Glong và Đắk Song.

Để chủ động ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông đã chủ động đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong quản lý bảo vệ rừng.

Các đơn vị, địa phương thành lập chốt liên ngành, bao gồm các lực lượng: công an, quân đội, kiểm lâm, chính quyền địa phương… để tuần tra, chốt chặn tại các địa bàn phức tạp.

Hiện toàn tỉnh đã thành lập 10 chốt liên ngành tại các khu vực có nguy cơ xảy ra phá rừng cao trên địa bàn dịp cuối năm 2024, đầu năm 2025.


(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục