Đắk Nông đa dạng các hoạt động tuyên truyền về chi trả dịch vụ môi trường rừng

Công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua đó hướng tới bảo vệ, phát triển rừng bền vững luôn là một ưu tiên của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông.

Rừng tại Đắk Nông có vai trò phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng cho khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)
Rừng tại Đắk Nông có vai trò phòng hộ đầu nguồn rất quan trọng cho khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, qua đó hướng tới bảo vệ, phát triển rừng bền vững luôn là một ưu tiên của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông.

Trong năm 2024, Quỹ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại các trường học thuộc huyện biên giới Tuy Đức và huyện nghèo Đắk Glong.

Tạo sân chơi trực quan, sinh động cho các em học sinh

Ông Hoàng Đình Trường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bu Prăng, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cho biết, việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuy Đức tổ chức chương trình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành học sinh đến trường” năm 2024 và thi vẽ tranh “Chúng em bảo vệ rừng” tại trường đã thu hút sự tham gia hào hứng của đông đảo học sinh nhà trường.

Đây là hoạt động thiết thực, trực quan, giúp các em có môi trường sinh động để hiểu thêm về ý nghĩa của việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, về vai trò của rừng đối với sự sống, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra nhiều nơi trong và ngoài nước cũng liên quan tới việc rừng bị tàn phá, hủy hoại.

Tại chương trình, gần 300 em học sinh của xã biên giới Quảng Trực đã tham gia tích cực vào cuộc thi vẽ tranh “Chúng em bảo vệ rừng”, xem các video trình chiếu về rừng, về ý nghĩa, vai trò của rừng cũng như các hoạt động đơn giản, dễ làm để các em học sinh có thể tham gia vào bảo vệ rừng, góp phần giữ vững màu xanh sự sống ngay trên chính quê hương mình.

vnp_dak nong 1.jpg
Các em học sinh hào hứng tham gia chương trình “Chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành học sinh đến trường” năm 2024. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

“Đây là chương trình ý nghĩa, thiết thực. Nhà trường rất cám ơn Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương đã ưu tiên lựa chọn và hỗ trợ tổ chức một chuỗi các hoạt động rất hữu ích, ý nghĩa. Dù xã Quảng Trực từ lâu là vùng đất toàn là rừng nhưng các thông điệp đơn giản, sinh động của Ban Tổ chức cũng đã tạo nên một ấn tượng đẹp trong lòng các em học sinh, giúp các em hiểu và thêm yêu từng tán cây, khoảnh rừng tại chính quê hương mình,” ông Hoàng Đình Trường chia sẻ thêm.

Còn cô Trần Thị Sen, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đắk Plao, xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết các hoạt động tuyên truyền của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông rất sinh động và học sinh tham gia rất hào hứng. Hàng trăm em học sinh từ khối 3 đến khối 7 của nhà trường đã tham gia thi vẽ tranh với chủ đề “Chúng em bảo vệ rừng.”

Qua các hoạt động tuyên truyền trực quan, thi vẽ tranh, các em học sinh đã ý thức hơn tầm quan trọng của bảo vệ rừng, nhất là trong bối cảnh nhiều khu vực tại huyện Đắk Glong và tỉnh Đắk Nông đã sạt lở đất đai, nhà cửa, công trình trong năm 2023.

Ban Tổ chức đã có những gợi ý ban đầu giúp học sinh hình thành ý tưởng. Hướng dẫn các em học sinh, mô tả cụ thể, dễ hiểu về những việc các em có thể làm để bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường rừng, tiêu biểu như trồng cây rừng, chăm sóc cây rừng, ngăn chặn hành động chặt, phá rừng bừa bãi, không phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ động vật hoang dã, phong cảnh rừng xanh mát, thiên nhiên tươi đẹp...

vnp_dak nong 2.jpg
Ban Tổ chức trao giải cho các học sinh có thành tích cao tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Ưu tiên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng

Trong những năm qua công tác tuyên truyền luôn là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông.

Trong năm 2024, Quỹ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức ở lứa tuổi học sinh và ưu tiên triển khai các hoạt động tại các trường học vùng biên giới, vùng sâu vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.

Việc thông tin, tuyên truyền được tổ chức đa dạng, sinh động, sáng tạo, hướng trự tiếp tới các em học sinh, những mầm xanh tương lai của đất nước, với kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ cho cả cộng đồng và xã hội về bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Theo đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’Long và Phòng Giáo dục và Đào tạo Tuy Đức tổ chức 9 cuộc tuyên truyền “chi trả dịch vụ môi trường rừng đồng hành cùng học sinh đến trường” tại 7 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn 2 huyện.

vnp_dak nong 3.jpg
Rừng góp phần gìn giữ nguồn nước và là lá chắn bảo vệ hành tinh trước biến đổi khí hậu. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Tại các chương trình, Ban tổ chức đã phát động cuộc thi vẽ “Chúng em bảo vệ rừng” và thu hút sự tham gia của gần 1.500 học sinh.

Theo đánh giá của Ban Tổ chức và Ban Giám hiệu các nhà trường, cuộc thi đã tạo ra hiệu quả lan toả rất lớn đối với các em học sinh và nhà trường, đồng thời tạo sân chơi bổ ích, lồng ghép việc giáo dục nhận thức cho các em học sinh về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp.

Từ đó hy vọng mỗi em học sinh sẽ trở thành các tuyên truyền viên cho gia đình và cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, thông qua chương trình, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông đã trao tặng 6.000 phần quà bao gồm vở, mũ cho các em học sinh.

Năm 2024, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Đắk Nông dự kiến thu tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh hơn 108 tỷ đồng. Nguồn thu từ các cơ sở sản xuất thủy điện; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; và cơ sở sản xuất công nghiệp.

Trong đó, thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam gần 71 tỷ đồng và thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gần 38 tỷ đồng.

vnp_dak nong 4.jpg
Một vạt rừng tự nhiên tại Đắk Nông. (Ảnh: Minh Hưng/Vietnam+)

Tiền dịch vụ môi trường rừng sẽ được chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng, bao gồm 7 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; 31 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...); 7 đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; hơn 80 hộ gia đình, nhóm hộ gia đình; 12 cộng đồng dân cư; và 31 Ủy ban Nhân dân cấp xã đang được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng.../.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, tỉnh là một trong những tỉnh sớm thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng sau khi Nghị định 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng có hiệu lực.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng tỉnh Đắk Nông được thành lập ngày 11/11/2008 và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông giao quyền tự chủ về tài chính (chi thường xuyên) từ năm 2012. Từ khi thành lập đến nay, tổng số thu tiền dịch vụ môi trường rừng đã thu đạt gần 1.100 tỷ đồng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Đắk Nông, việc thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Hiện tỷ trọng bình quân tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư cho ngành lâm nghiệp. Đây đang trở thành nguồn lực “sống còn” cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là từ thời điểm Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng (năm 2016).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục