Đắk Lắk xử lý vụ sạt lở đường Tỉnh lộ 7 theo phản ánh của TTXVN

Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh thông tin về tuyến đường Tỉnh lộ 7 bị sạt lở nhưng chậm được khắc phục tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân.

Tuyến đường Tỉnh lộ 7 là tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Lắk với huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Tuyến đường Tỉnh lộ 7 là tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Lắk với huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Liên quan đến thông tin chậm khắc phục sạt lở đường Tỉnh lộ 7 đoạn qua xã Buôn Triết, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và xác định nguyên nhân chủ quan từ phía chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế.

Theo tìm hiểu, vị trí hư hỏng tại Km17+540 thuộc phạm vi dự án Cải tạo, nâng cấp và kéo dài Tỉnh lộ 7, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng.

Dự án khởi công vào ngày 20/11/2019, nghiệm thu hoàn thành ngày 14/12/2021.

Vào tháng 10/2023, sau thời gian mưa lớn, tại phạm vi Km17+540 bên phải tuyến nền, mặt đường bị sụt lở; phạm vi sụt lở lấn vào mặt đường bêtông nhựa hơn 1m, kéo dài gần 20m, bề rộng vết nứt (40-90cm), mặt đường bị lún sâu (120-180cm). Vết nứt chạy dọc theo taluy nền đường phía bên phải tuyến kéo dài 60m. Đây là tuyến đường huyết mạnh của huyện Lắk nhưng bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng từ tháng 10/2023 đến nay vẫn chưa được khắc phục, sữa chữa.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Sở Giao thông Vận phối hợp với các sở, ngành, chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Sau khi kiểm tra, phân tích, đánh giá các bên liên quan đã đi đến kết luận, công trình bị hư hỏng sau khoảng 22 tháng kể từ ngày được nghiệm thu đưa vào sử dụng do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan là nền đường bị thấm, đọng nước lâu ngày gây suy giảm cường độ đất nền, đặc biệt là trong mùa mưa, mực nước dâng cao.

Về chủ quan, đối với chủ đầu tư và các đơn vị liên quan, quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế không thực hiện khảo sát địa chất, thủy văn nền đường cũ là có thiếu sót, chưa phù hợp theo Tiêu chuẩn ngành 22 TCN 263-2000 - Quy trình khảo sát đường ôtô. Điều này dẫn đến chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công trình (nền đất yếu; dòng thấm từ taluy dương và nước dềnh do mưa lũ thấm vào nền đường, làm suy giảm cường độ...).

Quá trình thi công, chủ đầu tư nhận thấy có nguy cơ sạt lở nên đã tổ chức xử lý kỹ thuật điều chỉnh thiết kế, bổ sung gia cố mái taluy tại Kml7+875. Tuy nhiên, giải pháp thiết kế xử lý chưa được triệt để các yếu tố bất lợi, chưa có giải pháp xử lý triệt để dòng thấm vào nền đường.

Quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án không khảo sát, đánh giá, xử lý được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến công trình là một nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt lún, hư hỏng công trình. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án. Việc chưa báo cáo đầy đủ cho chủ đầu tư về những vấn để chưa phù hợp với thực tế thi công là chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của đơn vị giám sát, nhà thầu thi công xây dựng công trình.

Đối với Sở Giao thông Vận tải, quá trình kiểm tra hiện trường và thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, ngoài nội dung yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định, Sở đã có ý kiến đối với việc bổ sung khảo sát địa chất, thủy văn để có cơ sở đánh giá ổn định công trình tại Công văn số 1242/SGTVT- QLCL ngày 26/7/2019.

Nhưng hồ sơ được chủ đầu tư chỉnh sửa hoàn thiện và đề nghị thẩm định (lần 2) kèm theo Tờ trình số 96/TTr-BQLDAGTNN ngày 12/8/2019 không được bổ sung khảo sát địa chất, thủy văn theo ý kiến của Sở Giao thông Vận tải.

Nội dung trình và hồ sơ thiết kế kèm theo đã khẳng định: “Mực nước ngầm nằm sâu, tính chất lý hóa của nước ngầm không ảnh hưởng tới nền móng công trình và các công trình ngầm;" “Nước mặt: Công trình chỉ chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước mặt, chủ yếu là nước mưa tập trung theo địa hình”…, theo đó, Sở Giao thông Vận tải căn cứ thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán tại quyết định số 70/QĐ-SGTVT ngày 21/8/2019.

ttxvn-tinh lo 7 2.jpg
Tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Lắk với huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk bị sạt lở gây nguy hiểm cho giao thông và ảnh hưởng tới giao lưu kinh tế. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc Sở Giao thông Vận tải căn cứ nội dung khẳng định trên để thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công mà không yêu cầu chủ đầu tư bổ sung tài liệu chứng minh, làm rõ là có phần thiếu chặt chẽ, chưa lường trước hết được nguy cơ tiềm ẩn của nền đường cũ đang được khai thác.

Trên báo cáo của Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan, vừa qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các thiếu sót mang tính chủ quan; báo cáo kết quả về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp, giải quyết theo quy định.

Sở Giao thông Vận tải nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thẩm định hồ sơ thiết kế. Đối với chủ trương đầu tư xây dựng sửa chữa, cải tạo, Sở Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết.

Trước đó, Thông tấn xã Việt Nam đã liên tục phản ánh thông tin về tuyến đường Tỉnh lộ 7 bị sạt lở nhưng chậm được khắc phục tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục