Mùa mưa năm nay, đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch trồng mới gần 1.000ha cây ăn quả mà thị trường ưa chuộng theo hướng sản xuất hàng hóa, chủ yếu là bơ sáp, sầu riêng, chôm chôm, nhãn lồng, vải, xoài, ổi không hạt, cam sành, quýt đường. Đây cũng là địa phương có diện tích cây ăn quả được thị trường ưa chuộng nhất ở vùng Tây Nguyên.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, thị trường giống cây ăn quả chất lượng cao năm nay ở Đắk Lắk tăng khá cao, bình quân tăng gần gấp đôi so với năm ngoái nhưng vẫn được đồng bào các dân tộc tiêu thụ mạnh.
Các giống cây như bơ sáp, sầu riêng Dona-SR1, nhãn, chôm chôm ghép, ổi không hạt... đều có giá từ 70.000 đồng/cây trở lên.
Rút kinh nghiệm từ các năm trước, hiện nay, đồng bào chỉ mua cây giống ở các cửa hàng, công ty giống cây trồng có thương hiệu, có uy tín, tuyệt đối không mua các giống cây ăn quả do các tư thương bán dạo.
Ngoài việc chuyển diện tích cao su, càphê, đất vườn kém hiệu quả kinh tế sang mở trang trại trồng thuần các loại cây ăn quả, đồng bào các dân tộc còn tổ chức trồng xen bơ sáp, sầu riêng trong vườn cà phê đang kinh doanh cho thu hoạch để tăng thêm nguồn thu nhập trên từng đơn vị diện tích.
Qua thực tế, đồng bào các dân tộc đã trồng xen bơ, sầu riêng với mật độ 90-92 cây/ha, với khoảng cách 12x9m thì năng suất vườn càphê vẫn không thay đổi, vẫn đạt từ 3-4,2 tấn càphê/ha.
Trong khi đó, với năng suất đạt 15 tấn quả sầu riêng/ha, với thời giá như hiện nay cũng có thu nhập tăng thêm từ 270 triệu đồng trở lên, cộng với doanh thu từ càphê thấp nhất 120 triệu đồng thì sau một niên vụ cũng thu được 390 triệu đồng/ha trở lên (trong khi trồng thuần càphê chỉ thu 120 triệu đồng).
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, việc đa dạng hóa cây trồng trong vườn càphê còn giúp cho người trồng càphê tránh bớt được các rủi ro về biến động giá cả, sâu bệnh hại.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã có gần 10.000ha cây ăn quả các loại; trong đó có trên 4.500ha bơ, 3.000ha sầu riêng, diện tích còn lại là cam sành, quýt đường, vải thiều, xoài, na, mãn cầu, mít tố nữ.
Các loại trái cây của Đắk Lắk được xuất bán đi khắp cả nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều hộ gia đình trồng cây ăn quả có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm./.