Đắk Lắk: Thanh long ứ đọng, rớt giá khiến nông dân lao đao

Cây thanh long được xem là cây xóa đói giảm nghèo của xã Cư Êbur (Buôn Ma Thuột) nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thanh long bị rớt giá mạnh, đầu ra "bí" khiến người nông dân lao đao.
Gia đình chị Trần Thị Thu Thảo (xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột) thu hoạch thanh long. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Cây thanh long được trồng rải rác ở một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk như huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’Gar, huyện Ea Kar,… và được trồng tập trung ở xã Cư Êbur (thành phố Buôn Ma Thuột). Đây được xem là cây xóa đói giảm nghèo của xã Cư Êbur.

Thế nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thanh long bị rớt giá mạnh, đầu ra "bí" khiến người nông dân lao đao.

Các năm trước, giá thanh long dao động từ 7.000 đồng (vào mùa mưa) đến 15.000 đồng (vào mùa nắng), với năng suất trung bình 25 tấn/ha/năm thì người nông dân có thu nhập khá từ cây trồng này.

Hiện nay, xã Cư Êbur vào vụ thu hoạch chính nhưng giá thanh long chỉ được thu mua ở mức 2.000-3.000 đồng/kg đối với hàng loại 1. Giá thấp, thương lái không mua khiến người nông dân "dở khóc dở cười" vì hái cũng lỗ, không hái thì xót.

Gia đình anh Phan Quốc Thiết (thôn 2, xã Cư Êbur) có 800 trụ thanh long, thu nhập mỗi năm từ 100-150 triệu đồng.

Theo ước tính, trong năm nay, vườn thanh long nhà anh đạt 20 tấn, với giá bán 10.000 đồng/kg sẽ mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng, tiền chi phí đầu tư khoảng 30% còn lại là lãi của gia đình.

Anh Thiết cho biết đợt đầu năm 2020, cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thanh long giảm còn 4.000-5.000 đồng/kg nhưng vẫn có người mua. Thế nhưng, khoảng 1 tuần nay, giá thanh long giảm mạnh mà vẫn không có người mua.

Gia đình anh Thiệt mang thanh long ra chợ bán nhằm "vớt được chừng nào hay chừng nấy" nhưng không mấy khả quan. Nếu tình hình này tiếp diễn, gia đình anh đành chấp nhận thua lỗ, cắt bỏ để giữ sức cho cây nuôi trái vào vụ sau.

Tương tự, chị Trần Ly Lan (thôn 2, xã Cư Êbur) cho biết gia đình chị trồng thanh long từ năm 2012, mỗi năm cho thu từ 4-6 vụ. Đây là lần đầu tiên chị Lan thấy loại trái cây này rớt giá thảm như vậy mà vẫn không có người mua.

Với giá như hiện nay, chị Lan chấp nhận lỗ nặng, vẫn muốn bán thế nhưng các vựa thu mua lâu năm của nhà chị không mua do không xuất bán được, chị Lan chỉ biết để thanh long chín trên cây rồi hái dần cho nai ăn.

Theo chị Lan, gia đình chị còn có tiêu, càphê để bù lỗ cho thanh long, nhiều nhà dân khác của xã chỉ trồng thanh long thì mùa thu hoạch chính này chỉ biết "khóc đứng khóc ngồi."

Vườn thanh long tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Theo người dân, giá thanh long giảm mạnh nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ chính của xã Cư Êbur là thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thành phố Đà Nẵng cách ly xã hội khiến thanh long tại xã Cư Êbur ứ đọng theo. Thương lái chỉ thu mua số lượng ít ỏi để xuất bán đi các tỉnh khác như: Khánh Hòa, Phú Yên, Huế...

Chị Trần Thị Thu Thảo (thôn 2, xã Cư Êbur), một đại lý thu mua thanh long lâu năm, cho biết thời điểm này năm trước, kho của chị chất đầy thanh long từ ngoài cổng vào tận bên trong, mỗi ngày xuất bán 4-5 tấn đi các tỉnh, thành miền Trung tiêu thụ.

Hiện nay, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa khó khăn, chị chỉ mua cầm chừng 4-5 tạ/ngày để giữ mối và xuất đi một số tỉnh chưa bị ảnh hưởng nhiều của dịch COVID-19.

Xã Cư Êbur hiện có khoảng 200ha thanh long. Theo người dân, việc trồng và thu hoạch thanh long nhẹ công và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với tiêu, càphê. Một người có thể thu hoạch được 1 tấn thanh long/buổi và không tốn nhiều chi phí về tiền thuê nhân công, về công chăm sóc và phơi, xay xát như trồng tiêu, càphê.

Bên cạnh đó, thanh long cho thu hoạch khoảng 6 vụ/năm (4 vụ chính và 2 vụ phụ), người nông dân có nguồn thu rải rác trong năm, do đó, đây là loại cây trồng được nông dân xã chọn để chuyển đổi cơ cấy cây trồng, phát triển kinh tế gia đình.

Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur được thành lập từ tháng 6/2019 với 14 hộ tham gia và 13 ha, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (đã có giấy chứng nhận VietGAP vào tháng 12/2019) mở ra hướng sản xuất thanh long hữu cơ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Ông Trần Trọng Khánh, Thôn trưởng thôn 2 kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long Cư Êbur cho biết tham gia VietGAP, nông dân được tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình và có doanh nghiệp ký kết bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Tuy nhiên, người dân trên địa bàn chưa mặn mà với VietGAP vì cho rằng năng suất, mẫu mã theo hướng trồng hữu cơ không đẹp và bằng hướng trồng đại trà, truyền thống như trước nay.

Về phía tổ hợp tác cũng đã tích cực tìm kiếm các cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ cho nông dân.

Hiện nay, giá thanh long giảm mạnh, ông Khánh kêu gọi chính quyền địa phương, các cấp các ngành và người dân trong tỉnh có biện pháp hỗ trợ nông dân như giải cứu thanh long, kết nối với các nhà máy, doanh nghiệp để chế biến thanh long sấy, nước ép thanh long hoặc bánh mỳ thanh long…

Theo ông Trương Thái Bình, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng thành phố Buôn Ma Thuột, thực tế cho thấy thanh long mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân xã Cư Êbur trồng thanh long chủ yếu theo hướng tự phát, phương thức truyền thống, tính liên kết chưa cao. Do đó, hiện nay với tình hình diễn biến của dịch bệnh, thương lái không thu mua dẫn đến tình trạng ứ đọng.

Một số cá nhân, đơn vị đã nhập, mua thanh long để hỗ trợ cho "tâm dịch" Đà Nẵng nhưng số lượng không nhiều, hướng "giải cứu" thanh long gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới, phòng sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng vùng nguyên liệu, vận động nông sản xuất theo hướng VietGap và tham gia liên kết chuỗi, xây dựng chỉ dẫn địa lý để vấn đề sản xuất thanh long mang tính bền vững, hiệu quả, đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân.

Những ngày này và dự báo những ngày tới, trên địa bàn xã Cư Êbur mưa nhiều, người nông dân lại chồng nỗi lo, lo giá thấp, lo thanh long không có người mua và lo sâu bệnh hại vì mưa nhiều.

Chính quyền địa phương và các ngành chức năng nên đồng hành với nông dân trồng thanh long ở thời điểm khó khăn này, hướng nông dân đến sản xuất bền vững, có khuyến cáo phù hợp để tránh tình trạng ứ đọng, đổ tháo thanh long.

Nông dân xã cũng cần xác định lại nhu cầu của thị trường, đầu tư nội lực và lợi ích của hướng sản xuất VietGap để có hướng sản xuất phù hợp trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục