Đắk Lắk: Rừng thông phòng hộ Krông Búk cơ bản bị xóa sổ

Do các địa phương buông lỏng quản lý trong một thời gian dài nên diện tích rừng thông đã bị người dân ồ ạt chặt phá, lấn chiếm trái phép làm khu dân cư, khu sản xuất càphê.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Phương Hòa/TTXVN)

Rừng thông ba lá nằm dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) đoạn qua huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, có vai trò vừa là rừng phòng hộ vừa là cảnh quan môi trường, nhưng đến nay rừng thông này cơ bản đã bị “xóa sổ" gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Krông Búk, rừng thông ba lá này trước đây do Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Ea Súp đầu tư vốn và trồng từ những năm 1980, dọc theo hai bên đường Hồ Chí Minh, kéo dài từ huyện Krông Búk (cũ) đến huyện Ea H’Leo, với tổng diện tích trên 2.047ha.

Trước đây, diện tích rừng thông ba lá này phát triển tốt làm nhiệm vụ là rừng phòng hộ cho lưu vực hồ Ea Súp ở phía Tây, lưu vực sông Ba ở phía Đông và đã đưa vào khai thác nhựa thông.

Tuy nhiên, sau khi Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Ea Súp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quốc lộ 14 giải thể, rừng thông này được giao về cho các địa phương Krông Búk, Ea H’Leo, thị xã Buôn Hồ quản lý, trong đó diện tích rừng thông tập trung nhiều nhất là ở huyện Krông Búk.

Do các địa phương này một thời gian dài buông lỏng quản lý nên diện tích rừng thông đã bị người dân ồ ạt chặt phá, lấn chiếm trái phép làm khu dân cư, khu sản xuất càphê hay gieo trồng các loại cây ngắn ngày. Thậm chí, có thời điểm, hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn Mùi 1, buôn Mùi 2, buôn Mùi 3 của xã Cư Né (huyện Krông Búk) tập trung sử dụng cưa máy, cưa tay, rìu chặt phá rừng thông để lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Mặt khác, đồng bào còn lén lút sử dụng dao, rựa ken (cắt sạch một đoạn vỏ cây chung quanh gốc) để cây thông chết khô dần, sau đó đốt hoặc làm cho cây tự ngã để lấy đất sản xuất nông nghiệp hoặc làm khu dân cư.

Theo ông Y Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Né, việc phá rừng thông ở đây không chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đồng bào Kinh mà còn có một số cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện. Cụ thể, đồng bào Kinh, đồng bào dân tộc Êđê phá rừng thông trái phép để xây dựng nhà ở, làm khu sản xuất, còn các cơ quan ban ngành thì xây dựng trụ sở. Do vậy, hiện nay, diện tích rừng thông ba lá này chỉ còn vài chục hécta, nằm rải rác ở các huyện Krông Búk và Ea H’Leo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục