Ngày 9/9, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), do ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và quan tâm đến sự phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
Môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng thuận lợi, bình đẳng thông qua việc công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng.
Thông qua Hội nghị đối thoại định kỳ giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh với doanh nghiệp, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã hướng dẫn, giải quyết trên 400 ý kiến phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhiều nội dung hỗ trợ cho doanh nghiệp được tỉnh thực hiện như hỗ trợ tín dụng, tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh…
Toàn tỉnh có 11.130 doanh nghiệp đang hoạt động; tăng 2,7 lần về số lượng và tăng 2,1 lần về quy mô vốn/doanh nghiệp so với năm 2012.
Đắk Lắk cũng là tỉnh có số lượng doanh nghiệp xếp thứ 22 cả nước và thứ 2 trong khu vực Tây Nguyên.
Tỉnh có hơn 46.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Sự phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá hiện hành) của khu vực kinh tế tư nhân đạt 67.068 tỷ đồng, chiếm 70,72% tổng GRDP toàn tỉnh.
Cùng với việc sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai.
Doanh nghiệp, doanh nhân trở thành cầu nối để đưa sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất vào thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Nghị quyết 09-NQ/TW tại tỉnh Đắk Lắk gặp một số hạn chế như việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do đa số các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có số lượng đảng viên ít, chất lượng chưa cao.
Sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực trình độ quản trị, bổ sung kiến thức về kinh doanh, trách nhiệm xã hội…
Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đề xuất với Đoàn công tác một số kiến nghị như các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn; rà soát việc chồng chéo giữa các quy định pháp luật về kinh doanh, bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp.
Trung ương nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn chung về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp; xem xét, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thành lập các hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đỗ Ngọc An đánh giá cao những kết quả tỉnh Đắk Lắk đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về xây dựng đội ngũ doanh nhân, phát triển doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Ngọc An, tỉnh Đắk Lắk có nhiều lợi thế để phát triển. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tại tỉnh đang phát triển tốt, đồng thời nhận được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh.
Nguồn nhân lực tại chỗ cùng nguồn nhân lực mọi nơi đã và đang đổ về Đắk Lắk là nguồn lực quan trọng, đủ để xây dựng đội ngũ doanh nhân.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá và kiến nghị của địa phương, Đoàn công tác sẽ tham mưu Bộ Chính trị tổng kết quá trình triển khai, tiếp tục ban hành chỉ đạo mới nhằm xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nhân ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.