Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn.
Để tạo sân chơi cho trẻ và hạn chế tình trạng đuối nước trẻ em cao điểm vào mỗi dịp hè, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức các cuộc thi trực tuyến cho trẻ tham gia, đẩy mạnh dạy bơi cho trẻ ở vùng sâu vùng xa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân chơi thiếu nhi - công trình măng non tiêu biểu cho 184 xã, phường, thị trấn.
Cùng với các chiến dịch tình nguyện hè, tổ chức cơ sở Đoàn và Hội đồng Đội các cấp đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm thực tế tại khu dân cư cho trẻ em; dạy trẻ tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc hoặc dạy học, ôn tập hè cho trẻ.
Anh Trần Doãn Tới, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đắk Lắk cho biết từ nguồn Trung ương Đoàn hỗ trợ, trong dịp hè này, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk tặng 5 bể bơi di động, tổng trị giá 200 triệu đồng cho 5 trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Để giảm thiểu tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng, cấp cơ sở cần tăng cường công tác quản lý thôn, buôn và báo cáo ngay các trường hợp trẻ em đi lao động để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; cần có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong việc hỗ trợ thông tin, xử lý doanh nghiệp sử dụng lao động trẻ em; hình thức xử phạt phải bảo đảm tính răn đe, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, theo ông Trần Phú Hùng, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành để giải quyết sớm các vụ việc khi phát hiện.
Các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền về Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 và số điện thoại đường dây nóng của tỉnh 02623951567 để người dân, trẻ em lên tiếng tố giác tội phạm; đề xuất giải pháp để bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em.
Nên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức, vận động gia đình không mặc cảm, nhìn thẳng vào sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để đưa sự việc ra ánh sáng, sớm xử lý đúng người, đúng tội.
[Tháng hành động vì trẻ em 2021: Để trẻ vẫn có những ngày hè an toàn]
Mới đây, ngày 28/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đắk Lắk ban hành Công văn số 19 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Công văn nêu rõ, cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương, hội, đoàn thể để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em vào chương trình hành động của địa phương, coi kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí bình xét thi đua; nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến xâm hại trẻ em…
Ông Y Khút Niê, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực trẻ em phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có phương pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi vùng miền và phong tục tập quán ở từng địa phương; cần chú trọng giáo dục, trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho các đối tượng dễ bị xâm hại.
Ông Y Khút Niê kiến nghị cần xem xét, có biện pháp xử lý nghiêm về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi thiếu sự quan tâm, chậm tổ chức, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cũng theo ông Y Khút Niê, chế tài xử phạt tội phạm xâm hại trẻ em chưa đủ sức răn đe, do đó Quốc hội và các cơ quan hữu quan cần nghiên cứu, sửa đổi pháp luật hình sự xử lý đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em một cách nghiêm khắc, đủ sức răn đe để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, đẩy lùi tội phạm xâm hại trẻ em.
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, trong 5 năm (2016-2020), trên địa bàn tỉnh có 5.579 trẻ em bị tai nạn thương tích (ngã, bỏng, tai nạn giao thông, ngộ độc, súc vật cắn, điện giật, hóc, nghẹn…); trong đó có 517 trẻ tử vong. Trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước chiếm tỷ lệ cao nhất với 306 trong tổng số 517 em.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 41 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Theo nhận định của ngành chức năng Đắk Lắk, đa số các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em trên địa bàn có đặc điểm chung là thiếu sự giám sát và quản lý của người lớn, thường xảy ra vào quãng thời gian cuối năm học và đầu mùa hè; trẻ thiếu kỹ năng lẫn kiến thức khi đi tắm ở sông, suối, ao, hồ.
Một con số báo động khác là tình trạng xâm hại trẻ em. Theo thống kê, trong 6 năm (2015-2020), trên địa bàn tỉnh có 331 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 225 trẻ bị xâm hại tình dục. Từ ngày 15/12/2020-14/6/2021, toàn tỉnh xảy ra 26 vụ xâm hại tình dục trẻ em với 26 bị hại, tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều vụ việc có tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề cho trẻ em và gây bức xúc trong dư luận.
Nguyên nhân các vụ xâm hại do cha mẹ bận để các em ở nhà một mình, ít được quản lý và bảo vệ; nhận thức của các em còn hạn chế nên không kịp thời báo cho cha, mẹ và người thân biết để có biện pháp bảo vệ, ngăn chặn; ảnh hưởng của lối sống thực dụng, tha hóa, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật của đối tượng phạm tội. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Tình trạng trẻ em lao động trái pháp luật cũng là vấn đề nhức nhối. Theo thống kê, trong 5 năm (2016-2020), tỉnh Đắk Lắk có 701 trẻ em đi lao động xa gia đình, làm nghề may mặc ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Các huyện có số trẻ đi lao động trái pháp luật nhiều như Krông Bông, Lắk, Cư M’Gar, Ea Kar. Điều đáng nói là số trẻ này do chưa đến độ tuổi lao động, phần lớn đi làm không có hợp đồng lao động, làm việc vất vả./.