Với tinh thần vượt khó và ý chí vươn lên làm giàu, sau nhiều lần thất bại, anh Vàng A Chá (dân tộc Mông, Điểm nhóm Tin Lành thôn Ea Uôl), xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk đã thành công với mô hình trồng dứa cho giá trị kinh tế cao.
Mô hình không chỉ đem lại cuộc sống khấm khá cho gia đình anh Chá mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con thôn Ea Uôl ở vùng sâu xã Cư Pui.
Năm 2005, anh Vàng A Chá từ Hà Giang vào tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp mang theo quyết tâm làm giàu trên vùng đất mới. Các mô hình trồng ngô, sắn thử nghiệm ban đầu cho thu nhập thấp nên anh chuyển đổi sang các loại cây bơ, tiêu, càphê…, tuy nhiên đều không thành công.
Nhận thấy vùng đất Ea Uôl cằn cỗi, nghèo dinh dưỡng không phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, anh Vàng A Chá nỗ lực tìm hiểu, thử nghiệm trồng dứa và đến nay đã thành công với mô hình này. Lợi nhuận thu được từ nông sản này lên tới hàng trăm triệu mỗi năm, anh trở thành tấm gương sáng trong vượt khó làm giàu ở xã vùng sâu Cư Pui.
Ngược thời gian trở về năm 2018, sau những lần thất bại với các loại cây trồng khác nhau, anh Vàng A Chá mạnh dạn trồng thử nghiệm 1ha dứa trên vùng đất mới, vừa trồng vừa học hỏi kỹ thuật canh tác và đúc rút kinh nghiệm.
Sau một vài vụ dứa cho hiệu quả kinh tế, anh Chá dần mở rộng diện tích và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, đồng thời làm chủ kỹ thuật tạo nguồn giống. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 4ha dứa, trong đó có 2ha đang cho thu hoạch.
Anh Vàng A Chá phấn khởi chia sẻ, với 2ha dứa đang cho thu hoạch, năm 2022 anh thu lời khoảng 300 triệu đồng. Nguồn thu nhập này giúp gia đình mua được một chiếc xe ôtô, một chiếc xe máy và sửa nhà cửa khang trang, cuộc sống khấm khá hơn.
Đặc biệt, niềm vui của anh được nhân đôi khi cây dứa chứng minh được hiệu quả kinh tế và phù hợp để bà con ở vùng đất cằn đầu tư, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
"Khi thấy hiệu quả kinh tế từ cây dứa, tôi tuyên truyền cho người dân trong thôn đầu tư trồng dứa và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cho người dân với mong muốn cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hiện, nhiều gia đình đã chuyển đổi sang trồng dứa và một số gia đình đầu tư mô hình trồng dứa quy mô lớn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao," anh Vàng A Chá cho biết.
Năm 2024, cả 4ha dứa của gia đình đều cho thu hoạch. Với tình hình tiêu thụ và giá cả như hiện tại, anh Vàng A Chá kỳ vọng sẽ đem lại vụ mùa bội thu cho gia đình và người dân trong thôn.
"Tôi vừa đầu tư thêm 500 cây sầu riêng trồng xen với vùng trồng dứa để tiếp tục tìm hướng đi mới trong phát triển mô hình kinh tế đa cây, giúp tăng giá trị sản xuất trên đất và đem lại thu nhập cao cho người dân," anh Vàng A Chá phấn khởi cho hay.
Ông Sín Chán Páo, Trưởng thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông cho biết địa phương là vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển kinh tế không được thuận lợi. Song với anh Vàng A Chá, những nỗ lực làm giàu trên vùng đất khó của anh đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho bà con học tập vươn lên, phát triển kinh tế tại địa phương.
Từ hiệu quả mô hình trồng dứa của anh Vàng A Chá, đến nay nhiều người dân trong thôn đã chuyển đổi cây trồng, mở rộng diện tích trồng dứa với kỳ vọng trong tương lai sẽ ổn định đời sống, vươn lên làm giàu từ cây dứa.
"Thôn Ea Uôl có gần 400 hộ, trong đó 99% là dân tộc Mông theo đạo Tin lành, chuyển từ Hà Giang vào sinh sống. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các nguồn vay vốn giúp thay đổi diện mạo nông thôn, các tuyến đường được bê tông hóa rất thuận tiện cho việc buôn bán nông sản và phát triển kinh tế. Đặc biệt, đồng bào Mông trong thôn không uống rượu, không hút thuốc và chăm chỉ làm ăn nên nhiều gia đình đã vươn lên trở thành hộ khá, con em được học hành đầy đủ, nhiều cháu được đi học Cao đẳng, Đại học… đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện," ông Sín Chán Páo chia sẻ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cư Pui Nguyễn Minh Nghiệp cho biết Ea Uôl là một trong những thôn nằm trong vùng Dự án Ổn định Dân cư tự do vùng Ea Lang (2008-2016) được Nhà nước đầu tư nhiều lĩnh vực để ổn định đời sống nhân dân.
Đến nay, đời sống kinh tế của người dân dần được cải thiện, trong đó hình thành một số cây trồng chủ lực như cây dứa, trồng rừng…
Từ những mô hình kinh tế phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương tiếp tục huy động nguồn lực để đầu tư, nhân rộng nhằm phát triển khu vực này, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân cùng nhau nỗ lực xây dựng đời sống mới nhằm sinh sống ổn định trên quê hương thứ hai./.