Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca bệnh bạch hầu

Tính đến 16 giờ ngày 15/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 9 ca mắc bệnh bạch hầu tại nhiều địa phương khác nhau, trong đó huyện M’Đrắk có 6 ca, huyện Cư M’gar có 2 ca và huyện Lắk có một ca.
Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận thêm nhiều ca bệnh bạch hầu ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm bạch hầu tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 15/7, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết tính đến 16 giờ ngày 15/7, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 9 ca mắc bệnh bạch hầu tại nhiều địa phương khác nhau.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công văn triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.

Cụ thể, trong 9 ca bệnh tại tỉnh Đắk Lắk, huyện M’Đrắk có 6 ca, huyện Cư M’gar có 2 ca và huyện Lắk có một ca.

Đặc biệt, chỉ trong hai ngày 14-15/7, địa bàn huyện M’Đrắk liên tiếp ghi nhận 4 ca bệnh ở các xã khác nhau là xã Cư Króa (4 ca), Krông Jing (1 ca) và Ea M’Đoal (1 ca); huyện Cư M’gar xuất hiện 2 ca bệnh bạch hầu liên tiếp tại xã Cư M’gar.

[Đắk Lắk: Ghi nhận thêm ba trường hợp mắc bệnh bạch hầu]

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho biết ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh bạch hầu mới, ngành y tế Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức khoanh vùng, cách ly tại các ổ dịch; tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần và phun thuốc khử trùng khu vực sinh sống của các ca bệnh.

Đặc biệt, trong hai ngày 14-15/7, ngành y tế Đắk Lắk cùng đoàn bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tăng cường, hỗ trợ, hướng dẫn công tác tiếp nhận, cách ly và điều trị bệnh bạch hầu tại huyện M’Đrắk, Krông Bông và Cư M’gar để nâng cao năng lực ứng phó của y tế địa phương trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu lây lan ra diện rộng và không để xảy ra bệnh nhân tử vong do bạch hầu.

Ngành y tế Đắk Lắk khuyến cáo người dân hạn chế đi lại giữa các địa phương đã xuất hiện các ca bệnh bạch hầu để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Đồng thời, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho người lớn và tiêm vắc xin phòng bệnh đúng thời gian, quy định tại Chương trình tiêm chủng Quốc gia đối với trẻ em.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh bạch hầu, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có công văn triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.

Lãnh đạo tỉnh giao ngành y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, giám sát tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp bệnh và nghi ngờ bệnh để cách ly, điều trị, điều trị dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ bệnh kịp thời, đúng quy định nhằm khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.

Ngành chỉ đạo, kiểm tra các huyện, thị xã, thành phố rà soát và triển khai tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% ở quy mô xã.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở cách ly, thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực..., tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp biến chứng nặng và tử vong.

Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, đặc biệt tại các địa bàn đã xuất hiện ca bệnh, phải khẩn trương tổ chức họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người để triển khai công tác phòng, chống dịch; khống chế kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cần được tăng cường để nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tốt công tác vệ sinh môi trường, nhà cửa, trường học, cơ quan... nhất là vùng có ổ bệnh.

Các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện việc cách ly người bệnh, hạn chế tiếp xúc với vùng có ổ bệnh, tuân thủ điều trị dự phòng theo quy định.

Các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch đối với tất cả các loại vắcxin trong tiêm chủng mở rộng nói chung và vắc xin phòng bệnh bạch hầu nói riêng; tích cực và tuân thủ việc tiêm vắcxin bạch hầu theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh bạch hầu cho bản thân và cộng đồng.

Cùng với đó, các địa phương chỉ đạo tổ chức triển khai đầy đủ các hoạt động đáp ứng khi có ca bệnh, ca nghi bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của ngành y tế; hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách để tổ chức triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục