Đắk Lắk là địa bàn chiến lược, phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 15/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với tỉnh Đắk Lắk về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh 9 tháng đầu năm; tình hình xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tập thể và đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nêu rõ, trong 9 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

Tổng sản phẩm xã hội 9 tháng ước đạt hơn 36.700 tỷ đồng, tăng 6,94% so với cùng kỳ năm ngoái; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt hơn 24.300 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 39 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký tăng 1,54 lần so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 4.900 tỷ đồng, đạt hơn 90% dự toán Trung ương giao và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tỉnh đang xúc tiến các thủ tục thành lập thêm khu công nghiệp Phú Xuân để kêu gọi các dự án chế biến nông sản. Trên địa bàn tỉnh đã có 5 dự án Nhà máy điện Mặt Trời hoàn thành xây dựng và phát triện với tổng công suất 210MWp.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trong tăng cường ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh đã thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn; hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái có múi trái vụ; đẩy mạnh tái canh càphê kết hợp trồng xen canh các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như bơ, sầu riêng... làm tăng hiệu quả trên 1ha đất sản xuất.

Kinh tế tập thể từng bước phát triển theo hướng tích cực, quy mô, cơ sở vật chất từng bước được mở rộng, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các hợp tác xã ngày càng được nâng cao.

[Để Tây Nguyên mãi xanh: Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi] 

Đến tháng Chín vừa qua, tỉnh đã giải ngân được gần 270 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 từ đầu năm tới nay ước đạt 1.285 tỷ đồng, đạt 48,3% kế hoạch.

Trong xây dựng nông thôn mới, 9 tháng qua tỉnh đã huy động được 70 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn. Toàn tỉnh đã đạt 2.140 tiêu chí, bằng 74,1% kế hoạch và tăng 36 tiêu chí so với đầu năm 2019; bình quân toàn tỉnh đạt hơn 14 tiêu chí/xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 28,3%.

Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, kinh tế tập thể của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển theo đúng định hướng, có chuyển biến tốt, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của tỉnh.

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 5.000 tổ hợp tác, với khoảng 60.000 thành viên, lao động; 456 hợp tác xã và 3 liên hiệp hợp tác xã, với vốn hoạt động trung bình 1 hợp tác xã khoảng 2,5 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp, tỉnh Đắk Lắk có 25 Công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới (10 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sản xuất, kinh doanh càphê, cao su và 15 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp).

Theo phương án đã được phê duyệt, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành cổ phần hóa 3/6 công ty; chuyển đổi được 7/9 công ty từ Công ty Trách nhiện hữu hạn Một thành viên sang Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hai thành viên; đã chuyển đổi 1 công ty lâm nghiệp sang Ban quản lý rừng; duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu nhà nước tiếp tục giữ 100% vốn điều lệ tại 6 công ty lâm nghiệp; 3 công ty đang thực hiện giải thể theo phương án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đề xuất với Trung ương hỗ trợ vốn để thực hiện Dự án kết nối Tỉnh lộ 8 từ Trung tâm huyện Cư M’gar với Trung tâm huyện Krông Búk với chiều dài khoảng 25km, tổng vốn khoảng 600 tỷ đồng; bố trí vốn để đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 26...

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh Đắk Lắk trong 9 tháng đầu năm, nhất là lĩnh vực tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, thu hút đầu tư...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Đắk Lắk phải tập trung quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc áp dụng hóa đơn điện tử trong thu thuế.

Tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển doanh nghiệp, nhất là kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh, để từ đó làm trụ cột, “bà đỡ” cho sự phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước, Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược,” phải trở thành thủ phủ của Tây Nguyên dựa trên thế mạnh về sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đặc biệt là xây dựng thương hiệu các nông sản, sản phẩm khác mà địa phương  có thế mạnh thông qua chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đối với việc thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới, phát triển các công ty lâm nghiệp; trong đó tập trung diện tích đất thu hồi, chuyển giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng, ban hành phương án sử dụng đất nông lâm nghiệp đã thu hồi để cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân; giải quyết tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất lâm nghiệp; tăng độ che phủ rừng...

Về những kiến nghị của Đắk Lắk, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành liên quan giải quyết; nghiên cứu, tham mưu đề xuất Trung ương, Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh chính sách cho phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục