Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk mưa đã tạnh, một số vùng bị ngập lụt nước bắt đầu rút. Các lực lượng vũ trang của tỉnh (Bộ Chỉ huy quân sự, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh) đã chủ động bố trí lực lượng, phối hợp với thanh niên vùng bị ngập lụt nặng như Krông Bông, Ea Kar, M’Đắk, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin, Lắk tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt, giúp đồng bào các dân tộc từng bước ổn định đời sống, bắt tay sản xuất vụ Thu Đông.
Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cùng các địa phương dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, trường học, trạm xá, tu bổ, sửa chữa ngay các tuyến đường giao thông thông nông thôn, cống ngang bị hư hỏng.
Đối với một số vị trí giao thông vẫn bị ngập, hư hỏng nặng, nguy hiểm, chưa sửa chữa được đã có người thường xuyên trực, hướng dẫn nhân dân, phương tiện đi lại an toàn.
Tại các khu dân cư còn bị cô lập do lũ lụt ở các huyện Krông Bông, Ea Kar, tỉnh tổ chức cứu trợ khẩn cấp, không để người dân bị đói, rét...
Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 2-5/11, tỉnh Đắk Lắk liên tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được trong 4 ngày phổ biến từ 250-350 mm.
Có 8 huyện bị ảnh hưởng nặng nề do mưa to, ngập lụt nghiêm trọng gồm: Krông Bông, Ea Kar, M’Đắk, Krông Pắk, Krông Ana, Cư Kuin. Mưa lũ cũng làm 1 người chết, 2.642 ngôi nhà bị ngập, trong đó có 584 hộ phải di dời.
Tỉnh cũng có gần 5.500 ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó có 518 ha lúa, còn lại là càphê, hồ tiêu, ngô lai, rau màu khác. Nhiều công trình thuỷ lợi bị hư hỏng, mất an toàn, hàng trăm km kênh mương bị xói lở. Hàng chục km đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, 1 cầu lớn kiên cố trên tỉnh lộ 9 bị sập, nhiều cầu tạm bị hư hỏng và cuốn trôi.../.