Ngày 2/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa ghi nhận một trường hợp đầu tiên tử vong vì mắc Whitmore (thường gọi là bệnh vi khuẩn ăn thịt người do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra), tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp.
Theo đó, bệnh nhi là V.T.Y.N (sinh năm 2021, tại thôn 14, xã Cư Kbang). Theo người nhà bệnh nhân, ngày 21/5, bé Y.N xuất hiện các triệu chứng sốt kèm tiêu chảy, ở nhà chưa điều trị.
Đến ngày 28/5, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp độ II, viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, tiêu chảy cấp không mất nước, chưa loại trừ viêm màng não, theo dõi u não.
Ngày 29/5, trẻ chuyển nặng với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, viêm mủ màng phổi (phải), rối loạn đông máu nhẹ.
[Người mắc Whitmore thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao]
Đến khoảng 17 giờ ngày 30/5, trẻ tử vong với chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, tràn mủ màng phổi (phải), tiêu chảy cấp không mất nước. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.
Theo các chuyên gia y tế, Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật. Vi khuẩn này sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập chủ yếu qua da.
Cách thức lây nhiễm bệnh Whitmore đa số do người bệnh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt qua các vết trầy xước trên da.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo người dân ở những vùng có bệnh, nên cảnh giác vì dấu hiệu mắc bệnh dễ bị nhầm sang bệnh lao và bệnh viêm phổi.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2023 tới nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh Whitmore. Đây là trường hợp tử vong vì Whitmore đầu tiên.
Năm 2022, Đắk Lắk lần đầu tiên ghi nhận trường hợp mắc bệnh Whitmore
Cụ thể, ngày 4/6/2022, bệnh nhân N.T.V. (nữ, sinh năm 2013, trú tại thôn Chiềng, xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) được người nhà đưa vào khám tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng tỉnh táo, sốt 39 độ C, tuyến mang tai 2 bên sưng to, cứng, không di động, góc hàm trái có điểm ấn mềm hóa mủ, đau nhiều, há miệng hạn chế, họng đỏ nhẹ loét chợt đầu lưỡi 1 nốt.
Đến ngày 7/6, bệnh nhân sốt cao liên tục, nhiệt độ 41 độ C, áp xe tuyến mang tai 2 bên đã rạch, rỉ mủ máu.
Kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei với chẩn đoán hậu phẫu áp xe tuyến mang tai 2 bên, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei/TD viêm màng não./.