Đắk Lắk: Dự án đường tránh phía Đông Buôn Ma Thuột sẽ khó về đích

Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành trong năm nay, hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025 nhưng đến nay dự án vẫn phải loay hoay giải bài toán giải phóng mặt bằng, khó về đích theo kế hoạch.

Theo kế hoạch dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo kế hoạch dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (dự án đường tránh đông) là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk do Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư.

Dự án được khởi công năm 2020, quá trình triển khai bị chậm tiến độ, đội vốn phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện.

Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2024, hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn phải loay hoay giải bài toán giải phóng mặt bằng và khó về đích theo kế hoạch.

Dự án đường tránh phía Đông có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 1.841,095 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương; chiều dài tuyến 39,606km đi qua địa bàn các huyện Cư M’Gar, Cư Kuin, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban A) làm chủ đầu tư.

Tính đến ngày 23/9 vừa qua, 93,91% mặt bằng thi công dự án đã được bàn giao. Đối với phần còn lại phải giải phóng mặt bằng hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và cần thời gian dài để giải quyết. Điều này khiến dự án có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ và khó về đích đúng hạn.

Sau nhiều năm khởi công nhưng ngay đoạn đầu tuyến (từ Km0+000-Km1+000 đoạn qua xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) hiện vẫn chưa có mặt bằng để thi công. Dù chỉ còn khoảng 1km nhưng đây là đoạn còn nhiều vướng mắc và cần thời gian dài để giải phóng mặt bằng.

Đối với 13 hộ tái định cư (đoạn đầu tuyến) đang thi công khu tái định, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Cư M’gar đã lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tuy nhiên chưa trình thẩm định, phê duyệt phương án do việc thẩm định, phê duyệt phương án phải thực hiện đồng thời với phương án tái định cư. Trong khi đó, phương án tái định cư chưa thể xây dựng do đơn giá khu tái định chưa được phê duyệt. Hiện huyện đang xây dựng đơn giá đất khu tái định cư.

Ngoài ra, trên địa bàn các xã Ea Kao, Hoà Phú, Hòa Khánh thuộc thành phố Buôn Ma Thuột vẫn còn tổng hơn 1,5km chưa thể giải phóng mặt bằng với nhiều lý do khác nhau khiến mặt bằng trên tuyến bị ngắt quãng liên tục, gây khó khăn cho thi công.

ttxvn_duong tranh phia Dong Buon Ma thuat.jpg
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột vẫn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Đáng chú ý, tại Km 32+500 (đoạn qua xã Hoà Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột) đang xảy ra sự việc hy hữu khi dự án đường tránh đông bị chồng lấn vị trí với một trụ điện T20 thuộc Dự án Trạm biến áp 220kV Krông Ana.

Từ tháng 5/2024, các đơn vị liên quan đã thống nhất phải khẩn trương di dời trụ T20 ra khỏi phạm vi dự án đường tránh đông nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện do vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật.

Theo chủ đầu tư dự án, đối với giải phóng mặt bằng trong thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc họp nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Đến nay, cơ bản các khó khăn vướng mắc đã được các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đưa ra biện pháp và phương hướng để xử lý.

Tuy nhiên, vì các hộ này thuộc các trường hợp khó, vướng mắc nhiều dẫn đến tiến độ lập phương án và hoàn thiện phương án sau thẩm định chậm hơn dự kiến. Một số hộ dân không đồng thuận với phương án, không đồng ý nhận tiền bồi thường dẫn đến phạm vi mặt bằng bàn giao cho các đơn vị thi công bị ngắt quãng.

Đối với thi công, trong thời gian qua chủ đầu tư đã thực hiện điều chuyển khối lượng hợp đồng 4 nhà thầu (2 nhà thầu phụ, 2 nhà thầu chính) cho các nhà thầu khác nằm trong liên danh gói thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuy nhiên, phạm vi mặt bằng đã giải phóng được nhiều nhưng không liên tục, ngắt quãng vì vậy thi công gặp nhiều khó khăn, không thể điều phối đất đắp trên tuyến. Một số đoạn đã giải phóng mặt bằng nhưng tuyến chính chưa thông nên phải tiếp cận bằng các tuyến đường thôn, buôn… dẫn đến việc vận chuyển vật liệu thi công gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, vốn bố trí năm 2024 cho xây lắp là 20,027 tỷ đã được chủ đầu tư đã thực hiện giải ngân 100%, trong khi đó một số đơn vị thi công đã thi công với giá trị thực hiện lớn nhưng không có nguồn kinh phí để thực hiện nghiệm thu thanh toán, làm ảnh hưởng đến nguồn lực của các đơn vị và ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án.

Tính đến ngày 23/9, sản lượng thực hiện dự án khoảng 58,89%. Trong khi đó, dự án vẫn đang xoay xở quanh những khó khăn về giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp, nguồn vốn… và thời gian để cơ bản hoàn thành dự án đã sắp hết (trong năm 2024).

Đặc biệt, đây là dự án được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk lựa chọn làm một trong những công trình tiêu biểu để chào mừng Kỷ niệm 120 ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904-22/11/2024).

Trong quá trình triển khai dự án, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cuộc họp, văn bản chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư, chính quyền các địa phương… quyết liệt giải quyết các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tuy nhiên, với những vướng mắc và khối lượng lớn công việc chưa hoàn thành như hiện nay thì việc đưa dự án về đích đúng tiến độ là điều khó xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục