Với 16 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người,” cô Hoàng Thị Bảy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở huyện Lắk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) luôn hết lòng vì học sinh.
Cô Hoàng Thị Bảy là giáo viên duy nhất của tỉnh Đắk Lắk được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Người mẹ thứ hai
“Dù bạn là ai, bạn đều có quyền mơ ước về công việc tương lai của mình. Tôi cũng có một ước mơ như vậy. Đó là mong muốn được trở thành giáo viên dạy Văn,” mở đầu câu chuyện, cô Hoàng Thị Bảy chia sẻ với chúng tôi về ước mơ từ khi còn nhỏ của mình.
Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi cô Bảy thi đỗ chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Quy Nhơn. Tốt nghiệp Đại học, năm 2007, cô về công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở huyện Lắk. Đây là ngôi trường chuyên biệt với hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số.
[Cô giáo người Cao Lan giàu tình thương dành cho trẻ khuyết tật]
Khó khăn lớn nhất trong công việc của cô Bảy khi đó là ngôn ngữ. Học sinh với nhiều dân tộc khác nhau, hầu hết không nói tiếng phổ thông, do đó giáo viên bắt buộc phải hiểu ngôn ngữ của các em. “Tôi tự học tiếng Ê đê, M’Nông, Thái, Nùng, cố gắng phá bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách tìm hiểu văn hóa của các dân tộc để tìm được tiếng nói chung, sự tương đồng,” cô Bảy chia sẻ.
Em H’Wion Sruk, học sinh lớp 9 (dân tộc M’nông) cho biết em được học cô Hoàng Thị Bảy từ năm lớp 6. Dù rất nghiêm khắc nhưng cô luôn quan tâm và yêu thương học sinh như người thân của mình. Khi mới đến trường, chúng em không biết gì, cô Bảy đã ân cần hướng dẫn từ việc gấp chăn màn hay cách trồng rau để tăng gia sản xuất.
Cô cũng rất hiểu tâm lý học sinh, động viên, an ủi chúng em mỗi khi nhớ nhà. “Trong cuộc thi Đại sứ Đại đoàn kết dân tộc Đắk Lắk năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 10, em là đại diện huyện Lắk tham gia. Cô Bảy luôn hỗ trợ, hướng dẫn em trong quá trình thi. Nhờ có sự tận tình của cô, em đã đoạt giải Á quân 2 tại cuộc thi,” em H’Wion Sruk chia sẻ.
“Ở trường tôi vào nhiều vai trong một ngày, vừa là mẹ, vừa là cô giáo, vừa là bạn tâm tình cùng học sinh. Mỗi khi học sinh đau ốm thì lại là thầy thuốc, có lúc lại là một chuyên gia tâm lý. Được làm nghề mình thích, mình yêu, tôi thấy mỗi ngày trôi qua thật ý nghĩa,” cô Hoàng Thị Bảy bộc bạch.
Hạnh phúc của người thầy
Thời gian trôi đi, biết bao thế hệ học sinh đã ra trường. Với cô Bảy, mỗi hàng cây, ghế đá, sân trường, từng căn phòng kỹ túc xá đều in dấu kỷ niệm 16 năm gắn bó với nơi đây.
Kỷ niệm khiến cô Bảy không thể quên là cách đây 13 năm, cô đã giúp một một nữ sinh mới học lớp 8 thoát khỏi hủ tục tảo hôn. Em nữ sinh đã khóc rất nhiều vì bố mẹ bắt phải bỏ học, về lấy chồng. Cô Bảy đã đến tận nhà, gặp gỡ phụ huynh học sinh. Từ chỗ ban đầu không chịu gặp, nhờ cô Bảy kiên trì thuyết phục, phụ huynh học sinh đã cho con tiếp tục đến trường.
Hạnh phúc lớn nhất của cô Bảy chính là sự nỗ lực vượt qua hoàn cảnh để học thật tốt của các em học sinh. Với những cố gắng, nỗ lực không ngừng, cô Hoàng Thị Bảy đã nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở huyện Lắk Nguyễn Thị Thuỳ Diễm cho biết, cô Hoàng Thị Bảy với cương vị là giáo viên, Tổng phụ trách và hiện nay là Tổ trưởng Tổ chuyên môn Khoa học-Xã hội luôn phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cô Bảy rất sâu sát với học sinh, sáng đến sớm, chiều về muộn, luôn là giáo viên mẫu mực, là tấm gương để các thầy cô giáo trẻ trong trường noi theo.
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk H’Giang Niê, thực hiện công tác giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Bảy cũng như các thầy cô giáo khác đã khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, gieo đam mê để học sinh có động lực đến trường./.