"Ở vị trí chiến sỹ, ông ấy là một chiến binh thông minh, dũng cảm, mưu trí, quên mình vì nhiệm vụ và lập những chiến công đặc biệt xuất sắc. Làm tướng, đó là vị tướng tài, thực hiện tốt nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đời thường, Thanh là một người tình cảm, trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí, đồng đội" - Đó là những nhận xét trong niềm tiếc thương vô hạn của Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Hiệu trưởng Trường Sỹ quan Lục quân 1, người thủ trưởng cũ tại Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 của Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Nhắc tới chiến công vang dội ở Đồi Không tên trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào đã làm nên danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân của người lính trẻ Phùng Quang Thanh ở Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn như in những ngày đêm không ngừng tiếng súng và ấn tượng sâu đậm về một chiến sỹ trẻ bị thương nặng vẫn dẫn đồng đội lao lên đánh địch cách đây 50 năm.
Thời điểm đó vào mùa khô năm 1970-971, Mỹ-Ngụy mở cuộc hành quân “Lam Sơn-719” đánh vào Đường 9-Nam Lào. Chúng tính toán nơi đây là “cuống họng” của đường Hồ Chí Minh, nếu bóp nghẹt được địa bàn chiến lược này, chúng chẳng những đe dọa miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào mà còn bịt được đường chi viện của ta vào chiến trường miền Nam, chặn đứng khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của ta.
Bước vào chiến dịch đặc biệt quan trọng này, Trung đoàn 64 nhận nhiệm vụ chiến đấu tại Đồi Không tên, cách điểm cao 543 khoảng ba cây số. Đây là vị trí có tính chiến lược thuộc địa phận ngã 3 Cha Phi, án ngữ Đường 16 đi xuống Tập đoàn cứ điểm Bản Đông (Lào), có thể khống chế toàn bộ khu vực phía Bắc của Đường 9 kéo dài từ biên giới Việt-Lào đến Lao Bảo, Đông Hà (Quảng Trị).
[Đại tướng Phùng Quang Thanh với đóng góp trong xây dựng Quân đội]
Lúc đó, Phùng Quang Thanh là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Ông Khuất Duy Tiến là Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, trực tiếp chỉ huy Trung đoàn chiến đấu.
Ngày 10/2/1971, quân địch có máy bay trực thăng yểm trợ tiến công chốt. Phùng Quang Thanh bình tĩnh chỉ huy tiểu đội chờ địch vào gần mới nổ súng diệt địch, đẩy lùi chúng. Quyết chiếm quả đồi vô danh này, hai ngày sau quân địch câu pháo dữ dội rồi cho máy bay trực thăng đổ một tiểu đoàn lính xuống Đồi Không tên.
Trúng đạn pháo vào vai trái, máu chảy ướt đẫm nhưng Phùng Quang Thanh nhờ y tá băng bó rồi xin ở lại tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu. Thanh nhờ đồng đội tháo lắp 17 quả lựu đạn cho vào túi đeo quanh người rồi dẫn đồng đội lao lên đánh địch, bảo vệ an toàn cho Sở Chỉ huy và trận địa pháo của Trung đoàn cũng như bảo vệ sườn cho các mũi tấn công của đội hình Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64.
“Lúc ấy, ở hầm Sở Chỉ huy, tôi thấy một chiến sỹ trẻ có dáng người béo đậm, người quấn đầy băng lao lên. Tôi gọi hỏi: "Cậu là ai, bị thương rồi còn đi đâu". Chiến sỹ đó đáp: "Em là Phùng Quang Thanh, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 9. Em lên đánh địch tiếp." Cũng từ ấy, tôi mới biết và có ấn tượng sâu đậm với Phùng Quang Thanh,” Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.
Theo Trung tướng Khuất Duy Tiến, thắng lợi ở Đồi Không tên trở thành chiến thắng then chốt tại Đường 9-Nam Lào, trong đó công của Phùng Quang Thanh rất lớn. Đây là lần đầu tiên ta dùng một tiểu đoàn tiêu diệt một tiểu đoàn địch mà lại là tiểu đoàn lính dù đặc biệt tinh nhuệ và thiện chiến.
Chiến thắng này đã làm bàn đạp cho ta tấn công tiêu diệt điểm cao chiến lược 543, tạo thuận lợi cho quân ta tiến đánh Tập đoàn cứ điểm Bản Đông (Lào) và kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9-Nam Lào.
Chiến thắng Chiến dịch lịch sử này còn đặc biệt ý nghĩa ở chỗ ta đã đập tan âm mưu “đổi màu da trên xác chết” và học thuyết "Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-Ngụy."
"Chiến công của Phùng Quang Thanh cũng hết sức đặc biệt ở chỗ đó. Ngay sau trận đánh, tôi cùng với Chính ủy Đặng Văn Trượng đã đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng cho Phùng Quang Thanh,” Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ.
Nhắc đến những kỷ niệm sâu đậm, Trung tướng Khuất Duy Tiến nhìn lên tấm ảnh gia đình ông chụp chung với Đại tướng Phùng Quang Thanh rồi bồi hồi nhớ chuyện ông Thanh đến nhà riêng tặng hoa chúc mừng người thủ trưởng cũ được vinh danh Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân và những lần ông Thanh qua nhà chơi.
Bên ấm trà, họ nhớ về những đồng đội đã nằm lại chiến trường, nhớ những đồng chí- người còn sống, người đã khuất, mà mồ hôi, xương máu của họ đã góp phần làm tươi xanh hơn, bền vững hơn vị thế của đất nước Việt Nam hôm nay.
“Đại tướng Phùng Quang Thanh là người rất tình cảm, sống trọn nghĩa vẹn tình với đồng chí, đồng đội. Nhiều lần, ông ấy đến thăm bạn chiến đấu cũ, đám nhỏ con của bạn nhìn thấy lại reo lên: “A, chú Thanh đến chơi.” Ông ấy hay nói với tôi: “Thủ trưởng xem có anh em, đồng chí nào mà gia đình khó khăn cần quan tâm, nói với em để giúp đỡ xây dựng, sửa sang lại nhà cửa,” Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Nói về chặng đường binh nghiệp kể từ sau chiến công vang dội ở Đồi Không tên của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Trung tướng Khuất Duy Tiến nói, phát huy phẩm chất của người Anh hùng, Phùng Quang Thanh tiếp tục trưởng thành trong chiến đấu cũng như trong thời bình, ông hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên mọi cương vị công tác, nhất là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Khi là người chiến sỹ trên chiến trường, Phùng Quang Thanh là một chiến binh dũng cảm nhưng hết sức điềm đạm, mưu trí trưởng. Khi là Đại tướng, Bộ trưởng, ông thực hiện xuất sắc nhiệm vụ củng cố quốc phòng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, giữ gìn cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
“Ở cương vị nào, Phùng Quang Thanh nguyên vẹn một tấm gương kiên cường, luôn sẵn sàng hy sinh vì đồng đội, luôn hướng tới đích lớn nhất là Tổ quốc và nhân dân, một tấm lòng trước sau như một với đồng chí, đồng đội, với nhân dân,” Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động nói./.