Ngày 23/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore.
Theo Người Phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, việc Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung. Qua đó xây dựng lòng tin làm nền tảng thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển. Đây cũng là mục tiêu chính và quan trọng của đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 18 lần này.
[Toàn văn bài phát biểu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch tại Shangri-La 17]
Đối thoại Shangri-La gồm 27 quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp, Đức, Australia, New Zealand.
Đối thoại Shangri-La là sáng kiến hợp tác giữa Chính phủ Singapore và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh), tổ chức thường niên tại khách sạn Shangri-La của Singapore. Đây được xem là một diễn đàn an ninh lớn và quan trọng bậc nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương để thảo luận và phân tích các vấn đề quốc phòng và an ninh trong và ngoài khu vực.
Đối thoại Shangri-La được IISS lấy ý tưởng từ Hội nghị an ninh Munich về Chính sách an ninh (một diễn đàn an ninh từ năm 1962, tập hợp các chuyên gia, Bộ trưởng quốc phòng, các quan chức an ninh cấp cao, các tướng lĩnh cũng như đại diện báo chí từ hơn 40 nước với cốt lõi là NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) làm hình mẫu.
Trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực có nhiều chuyển biến phức tạp và khó lường, các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều nhận thấy rằng, cần có một diễn đàn mà ở đó các các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia cùng các học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể ngồi lại với nhau, xây dựng lòng tin và tăng cường các hợp tác an ninh một cách thực chất và hiệu quả.
Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu vào năm 2002 tại Shangri-La, Singapore và từ đó trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh khu vực và quốc tế.
Tại diễn đàn này các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh và các chuyên gia cùng các học giả các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương có cơ hội để lắng nghe, nghiên cứu và nắm bắt chiến lược của các quốc gia trong khu vực, để từ đó có thể đưa ra những đánh giá, định hình chiến lược quốc phòng với mục tiêu hướng tới là giải quyết các thách thức an ninh đối với khu vực và các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế./.