Đại tướng là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc

Trong suốt quá trình lịch sử dài, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung-Việt.
Trong suốt quá trình lịch sử dài, ở mọi lĩnh vực, cương vị khác nhau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều có những đóng góp quan trọng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung-Việt và người dân Trung Quốc nói chung đều coi Đại tướng là một người bạn lớn, người bạn tốt.

Đây là những nhận xét của ông Trương Đức Duy, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Trung-Việt, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về cảm xúc riêng cũng như tình cảm của nhân dân Trung Quốc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi được tin Đại tướng qua đời.

Ông Trương Đức Duy cho biết khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ông vô cùng xúc động, cảm thấy đau xót và thương tiếc, muốn được thông qua TTXVN chuyển tới Phu nhân Đại tướng và toàn thể gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.

Theo Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Trung-Việt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà cách mạng kiên định, trước mỗi một trận đấu, một chiến dịch, ông đều có quyết tâm phải “quyết chiến, quyết thắng,” đồng thời ông còn là người nghiên cứu sâu mọi vấn đề và rất tỉ mỉ.

Theo như cách nói của người Trung Quốc thì ông là một vị tướng “đảm đại, tâm tế,” có nghĩa là gan lớn, còn tâm tinh tế. Ông cho biết rất nhiều người dân Trung Quốc biết đến tên tuổi, những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, họ thường gọi Đại tướng là “danh tướng” nhưng theo ông Trương Đức Duy, như vậy chưa đủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một “Đại danh tướng.”

Cùng với cảm xúc đau buồn khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, ông Tề Kiến Quốc, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, cho rằng Đại tướng là vị tướng kiệt xuất nổi tiếng trên thế giới và tên tuổi của ông sẽ mãi gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam.

Ông cho biết nhân dân Trung Quốc, nhất là những người thế hệ như ông đều biết đến những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho cách mạng cũng như công cuộc xây dựng phát triển đất nước của Việt Nam sau này, và hơn thế nữa, Đại tướng còn là người có đóng góp quan trọng cho quan hệ hai nước Trung Quốc-Việt Nam.

Ông Tề Kiến Quốc cũng chia sẻ những kỷ niệm không thể quên về ba lần tiếp xúc với Đại tướng. Lần đầu là từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là khách mời của chính phủ sang dự lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á tại Bắc Kinh, khi đó ông hân hạnh được giao nhiệm vụ phục vụ Đoàn Việt Nam.

Lần thứ hai vào đầu những năm 2000 khi ông đã là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, được đến thăm Đại tướng tại nhà riêng và lần thứ ba vào dịp cùng Đoàn đại biểu cấp cao do đồng chí Lý Thiết Anh, Phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc dẫn đầu sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh khi đến thăm ông Vương Đức Luân, nguyên cán bộ Đoàn cố vấn Trung Quốc, tại nhà riêng, ông cho biết: “Suốt bao nhiêu năm qua, tôi luôn dõi theo tin tức của Việt Nam, của Đại tướng, mỗi khi nhìn thấy Đại tướng xuất hiện trên màn hình, trên các trang báo điện tử thấy Đại tướng vẫn khỏe là tôi mừng lắm.”

Nhưng lần này khác hẳn, xem tivi đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần, ông Luân cảm thấy thật đau lòng và cảm giác như mất đi chính người thân của mình. Ông nói: “Tôi ngỡ ngàng khi nghe tin truyền hình thông báo, cảm thấy vô cùng đau lòng giống như mất đi người thân ruột thịt của mình, Trung Quốc cũng đã mất đi người bạn tốt. Sự ra đi của Đại tướng là một tổn thất lớn.”

Ông Luân nhớ lại lần gần đây nhất ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào năm 2004, khi đó ông sang Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, “chuyến đi Việt Nam đó tôi được gặp Đại tướng tại buổi lễ và cả tại nhà riêng nữa, lúc đó ông còn khỏe, nhìn ông không hề mất đi dáng vẻ tài hoa xuất chúng năm xưa ở chiến dịch Điên Biên Phủ.”

Theo ông, có lẽ với những người chỉ cần may mắn được một lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cảm nhận được con người vĩ đại, xuất chúng nhưng thật bình dị của Đại tướng. Còn thế hệ trẻ hôm nay qua những lời kể của các nhân chứng lịch sử sẽ càng hiểu rõ hơn về vị Đại tướng văn võ song toàn, nhà quân sự nổi tiếng, có một không hai trên thế giới đã dẫn dắt quân đội Việt Nam chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc và hòa bình thống nhất đất nước.

Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần cũng khiến con trai trưởng của Thiếu tướng Nguyễn Sơn-Hồng Thủy, ông Trần Hàn Phong, Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc khóa XI, XII không khỏi bàng hoàng, tiếc thương khi phải vĩnh biệt người bạn chiến đấu của cha mình. Người cha mất sớm từ khi ông mới 12 tuổi và trong suốt bao nhiêu năm qua Đại tướng đã dành tình cảm cho ông như người cha người chú trong gia đình.

Ông Phong chia sẻ: "Chú Giáp và cha tôi đã từng nhiều năm cùng nhau chống lại quân thực dân Pháp, họ vừa là đồng đội chiến đấu, vừa là bằng hữu. Hai lần sang thăm Việt Nam vào năm 1994 và 1998 tôi đều đến thăm chú tại nhà riêng, chú đánh giá cao mối tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc, cũng như những đóng góp của cha tôi trong cuộc cách mạng ở Việt Nam và Trung Quốc."

Theo ông Phong, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều cống hiến quan trọng trong cuộc cách mạng ở Việt Nam, và có đóng góp to lớn cho quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và hai quân đội Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn đối với nhân dân Trung Quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục