Ngày 21/7, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết dải tụ nhiệt đới hiện nay vẫn đang tồn tại ở Bắc Bộ là nguy cơ tiếp tục gây ra mưa lớn, mưa to, mưa diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa trong những ngày tới.
Ông Lê Thanh Hải cảnh báo người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các bản tin dự báo, cảnh báo được phát thường xuyên trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng như trên các phương tiện truyền thông.
Dải tụ nhiệt đới đã gây ra mưa lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sau khi bão đi sâu vào Thanh Hóa sang bên phía Lào thì tiếp tục gây ra mưa (hậu bão) cho các tỉnh Bắc Bộ đặc biệt là vùng núi phía Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái (nghiêm trọng nhất là Yên Bái) và hiện nay đang lan rộng sang các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Đây chính là một hình thái thời tiết rất nguy hiểm gọi là dải tụ nhiệt đới (trong dải tụ nhiệt đới có các cơn bão, áp thấp nhiệt đới xen kẽ) và trong dải tụ nhiệt đới luôn luôn có thể hình thành lên các xoáy thấp.
[Hà Nội ngập, hàng trăm phương tiện bị ùn ứ ở đô thị An Khánh]
"Như sáng nay (21/7), chúng ta thấy có một xoáy thấp ở ngay chính tam giác châu thổ sông Hồng, xoáy thấp đang phát triển và có khả năng dịch chuyển về phía Đông đến Đông Nam, khi vùng xoáy thấp này xuống đến Vịnh Bắc Bộ thì nguy cơ trở lại thành áp thấp nhiệt đới thậm chí thành bão và sẽ "quần thảo" trên Vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, có thể nó sẽ đi về phía Lôi Châu lên phía Quảng Đông hoặc sang Quảng Tây," ông Lê Thanh Hải nêu ví dụ.
Hiện nay, tại Thủ đô Hà Nội, người dân đang lo lắng là có khả năng lại lập lại trận lụt như năm 2008 đã từng xảy ra nhưng hình thái thời tiết này là loại hình thái thời tiết không giống như 2018. Mưa sẽ dai dẳng, kéo dài (nhưng hiện Hà Nội đang tập trung là giai đoạn đầu của mùa mưa), mực nước các con sông, hồ trong thành phố đang ở mức thấp nên khả năng chứa được nước là lớn, nguy cơ ngập úng sâu và rộng như 2008 hầu như không có khả năng xảy ra trong đợt mưa lũ này.
Tuy vậy không vì thế mà chủ quan, mọi phương án, sự chuẩn bị vẫn phải được chủ động đặt ra để ứng phó với các tình huống thiên tai nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân./.