Lễ trao Giải ABU 2021-Giải thưởng chuyên môn của Hiệp hội Phát thanh-Truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) trong khuôn khổ Đại Hội đồng ABU lần thứ 58 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra chiều 17/11.
Đài Tiếng nói Việt Nam lần đầu tiên giành được 2 trong tổng số 17 giải của giải thưởng quốc tế danh giá này.
Phóng sự phát thanh “Nước ơi!” của tác giả Hoàng Văn Ân, Ban Thời sự (VOV1) giành giải Xuất sắc thể loại “Phóng sự thời sự;” tác phẩm "Đừng từ bỏ" của tác giả Kiều Thanh Phượng, Ban Văn hóa-Xã hội (VOV2) giành Giải đặc biệt của Ban Giám khảo.
Từ khi sinh ra, những đứa trẻ ở xã Lao Xả Phìng, huyện Tủa Chùa của tỉnh Điện Biên đã bị mặc định... thiếu nước. Do biến đổi khí hậu, thiếu nguồn lực đầu tư, nạn tàn phá rừng và sử dụng nguồn nước không hợp lý khiến chúng luôn trong tình trạng “khát nước”, đặc biệt vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm).
Suốt quãng thời gian đó, hàng ngày, có những trẻ phải đi bộ vài cây số, gùi hàng chục chuyến nước phục vụ cho cả gia đình. Phóng sự thời sự "Nước ơi!" như một tiếng kêu cứu, một lời cảnh báo khi quyền tiếp cận nước sạch của trẻ em ở Tủa Chùa ngày một khó khăn. Đây cũng là tình cảnh của 5 triệu trẻ em Việt Nam khác.
Tác phẩm mang đến thông điệp cần có một kế hoạch toàn diện, một quyết tâm mạnh mẽ để đảm bảo nước sạch cho trẻ em, nhất là ở khu vực miền núi một cách bền vững. Những cơn khát triền miên của con trẻ cần phải được giải quyết dứt điểm.
[Dự án chống tin giả của TTXVN đoạt giải thưởng báo chí quốc tế]
Nội dung của tác phẩm phát thanh "Đừng từ bỏ" nói về những nạn nhân của căn bệnh trầm cảm, thông qua câu chuyện xúc động của anh thanh niên Dương Quang Huy.
Từ khi còn là học sinh phổ thông, Huy đã bị ám ảnh bởi sự bắt nạt, bạo lực của bạn bè. Những trận đòn của bạn cùng lớp đã biến Huy trở thành người rụt rè, luôn có cảm giác sợ hãi, hồi hộp, sống thu mình với thế giới xung quanh.
Xuyên suốt câu chuyện là bi kịch của Huy khi hàng ngày, hàng giờ phải chống chọi với những đau đớn, giằng xé của căn bệnh trầm cảm, luôn sống giữa ranh giới “sống” hay là “chết.”
Dù từng có ý định tự tử nhưng Huy đã cố vượt qua và mong muốn những người mắc căn bệnh này đừng từ bỏ, như cách mà anh đang cố gắng vượt qua mỗi ngày. Câu chuyện của Huy không phải là cá biệt.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu sức khỏe tâm thần quốc gia, Việt Nam có khoảng 8 triệu người mắc căn bệnh trầm cảm, chiếm khoảng 10% dân số. Mỗi năm, Việt Nam còn ghi nhận khoảng 30.000 người tự tử vì trầm cảm. Đó còn chưa kể, hàng triệu người giấu bệnh và một mình chống chọi với nỗi đau vô hình.
Năm 2021, mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, ABU vẫn nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi cho cả 3 hạng mục: phát thanh, truyền hình và truyền thông số; trong đó có 167 tác phẩm truyền hình, 104 tác phẩm phát thanh; 29 tác phẩm truyền thông số).
Năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam gửi 9 tác phẩm (6 tác phẩm phát thanh, 2 tác phẩm truyền hình, 1 tác phẩm nội dung số) dự thi. Bốn tác phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lọt vào vòng chung kết. Từ năm 2010 đến nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhiều lần đoạt được giải thưởng của ABU.
Hiệp hội Phát thanh- truyền hình châu Á-Thái Bình Dương (ABU) có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia); hiện là tổ chức phát thanh-truyền hình uy tín, lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với hơn 279 thành viên tại 73 quốc gia, vùng lãnh thổ và những thành viên liên kết ở châu Âu, Bắc Mỹ; tiếp cận lượng khán thính giả lên đến trên 3 tỷ người. Đài Tiếng nói Việt Nam là thành viên của ABU từ năm 1964.
ABU Prizes là giải thưởng phát thanh-truyền hình quốc tế uy tín, giải thưởng hằng năm của ABU nhằm vinh danh những tác phẩm phát thanh, truyền hình, nội dung số xuất sắc của các đài thành viên ABU gửi dự thi.
Giải thưởng ABU hướng tới các tác phẩm có cách làm mới, chất lượng cao, nội dung phong phú, truyền tải thông điệp nhân văn mang tính toàn cầu./.