Gia đình giàu truyền thống cách mạng (mẹ là liệt sỹ, hai người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp), năm 1945, người thanh niên Bành Văn Đởm (sinh năm 1930, ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) đã tham gia hoạt động cách mạng và sau này trở thành một chiến sỹ Công an nhân dân.
Cuộc đời hoạt động cách mạng cũng như những đóng góp cho quê hương, đất nước của ông đã sáng mãi phẩm chất người chiến sỹ Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Ông trở thành tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
Một thời gian khó
Ông Bành Văn Đởm cho biết hồi ấy, giặc đánh phá xóm làng, nhân dân đói khổ. Trong khi đó, phong trào cách mạng sôi sục ở khắp nơi nên ông tham gia Đội Thiếu niên tiền phong ấp Kim Quy, xã Vân Khánh (huyện An Biên, nay là huyện An Minh).
Trải qua nhiều công việc do tổ chức phân công kể cả xây dựng cơ sở mật ngay trong lòng địch (thợ mộc xây dựng đồn địch), ông Bành Văn Đởm đã âm thầm vẽ sơ đồ căn cứ địch giúp cách mạng. Ông Đởm cho biết: "Có lúc, thợ mộc bị địch bắt nhưng nhờ khéo léo, tôi không bị chúng nghi ngờ nên được tha.”
Về sau, ông Đởm được tổ chức cách mạng đào tạo các lớp về chính trị và quân sự. Năm 1968, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Được trau dồi lý tưởng, ông thấy con đường mình đi là đúng nên sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Cũng trong thời gian đó, ông đảm nhiệm vai trò là Phó trưởng Công an xã Vân Khánh, phụ trách trinh sát địa bàn nơi Chủ tịch nước Lê Đức Anh từng hoạt động cách mạng.
[Cần điều chỉnh mức khoán bảo vệ rừng để người dân vươn lên thoát nghèo]
Những năm 1972-1973, ông Đởm được phân công giữ chức Phó Ban An ninh huyện An Biên, Thường trực chiến dịch giải phóng huyện An Biên ngày 30/4/1975. Sau hòa bình, ông Đởm là Ủy viên Ban An ninh tỉnh Kiên Giang, trực tiếp chỉ đạo, đập tan nhiều mạng lưới gián điệp, hòng chống phá đất nước ta.
Năm 1976, ông Đởm giữ chức vụ Trưởng trại giam kênh 7 thuộc Công an tỉnh Kiên Giang - đơn vị nằm cạnh rừng U Minh Thượng. Trong thời gian công tác tại đây, ông được mệnh danh là vị Đại tá có “chiêu” thu phục phạm nhân, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho hàng ngàn con người.
Hơn 30 năm trên cương vị này, ông đã cảm hóa nhiều cuộc đời “lầm đường lạc lối.” Có hàng ngàn phạm nhân trước đó phạm tội giết người, cướp của nhưng qua “lò luyện” của ông đã có nghề để mưu sinh như thợ mộc, thợ hồ, thợ lò gạch, hớt tóc…
Với những thành tích đạt được, năm 2000, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Làm thay đổi vùng đất mới
Theo ông Đặng Xuân Thắng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy U Minh Thượng, để có được sự đổi thay như hôm nay tại vùng kháng chiến U Minh Thượng phải kể đến những đóng góp rất lớn của lớp người đi trước trong đó người có ông Đởm.
Năm 1997, sau khi về hưu, ông Đởm làm Trưởng Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ U Minh Thượng (nay là Vườn Quốc gia U Minh Thượng). Lúc này, ông Đởm trăn trở “làm sao để bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, bà con sống được với rừng.”
Ông Đởm tiếp tục “cuộc chiến mới” bằng cách huy động xáng vào cạp đất, múc bờ bao, đưa dân nghèo thiếu đất sản xuất vào vùng đệm sinh sống, lập nghiệp. Hàng ngàn mảnh đời cơ cực trong tỉnh được ông tạo sinh kế bám trụ với rừng, làm giàu từ rừng.
Ông Lưu Hồng Tươi, ngụ ấp Công Sự, xã An Minh Bắc cho biết, cũng như nhiều hộ gia đình khó khăn khác, ông được nhận 5 ha đất ban đầu toàn cây tràm, lau sậy. Thấy vậy, ông Đởm xin chủ trương múc vuông bao để xổ phèn giúp nhân dân trồng lúa, nuôi cá, trồng màu… nhằm thoát nghèo.
Giờ đây, trên phần đất này, ông Tươi nuôi cá nước ngọt, trên các bờ vuông ông trồng 5.000 cây bưởi, 1.000 cây xoài, 1.000 cây mít, 500 gốc thanh long… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chị Phạm Thị Hồng Ý, ngụ ở bờ bao 120 thuộc ấp Công Sự, xã An Minh Bắc là một phụ nữ đơn thân nghèo khó. Sau khi nhận đất rừng, chị đã vươn lên trở thành hộ khá giả ở vùng này. Với 5ha đất hoang hóa lau sậy, rừng tràm mọc ngày nào, giờ đã hiện diện trên mảnh đất này 2.500 gốc thanh long, 500 cây nhãn, 800 cây mít, xoài, dừa… mỗi năm cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng. Cơ ngơi có được như hôm nay theo chị Ý chia sẻ, là nhờ sự tâm huyết, góp công hỗ trợ người dân của ông Đởm.
Hai xã nằm trong vùng đệm là An Minh Bắc, Minh Thuận giờ được quy hoạch trồng mía, dứa, chuối xiêm trên đê bao, dưới ao nuôi cá đồng. Bên cạnh đó, phát triển trồng rau sạch, rau an toàn đặc trưng ở U Minh Thượng như rau nụ áo, rau đắng đồng… hình thành theo mô hình tôm-lúa, mô hình mía-lúa và mô hình lúa-chuối-cá-rau màu.
Đến nay, tại hai xã mà “ông Mười” hướng dẫn người dân nghèo cách làm ăn đã có trên 2.300ha trồng chuối, 440ha cây ăn trái, 450ha dứa... và diện tích nuôi cá nước ngọt lên tới trên 3.000ha.
Trong số đó, có 74ha rau màu đạt chuẩn VietGAP ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kênh 10, xã Minh Thuận, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho 43ha gừng củ, sản lượng 385 tấn/năm tại Hợp tác xã gừng U Minh Thượng, xã Minh Thuận và chứng nhận đạt GlobalGAP cho 55,6ha cây ăn trái ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã An Minh Bắc.
Chúng tôi tới căn nhà bên bìa rừng thuộc ấp Công Sự, xã An Minh Bắc thăm ông Đởm vào lúc nắng chiều đã tắt. Vị Đại tá Công an 91 tuổi vẫn khỏe mạnh, giọng nói hào sảng như ngày nào. Ông bộc bạch: “Biết bao thăng trầm, giờ đây, rừng U Minh Thượng đã xanh ngút ngàn, nhiều mảnh đời cơ cực giờ đã thoát nghèo, có của ăn, của để, tôi thực sự rất vui mừng, phấn khởi.”
Chia tay vị “Đại tá già,” sâu thẳm trong ông là nỗi niềm muốn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Thế hệ sau này phải giữ cho bằng được rừng. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, biết khai thác bền vững sẽ làm giàu. Nó như lá phổi, phổi khỏe sẽ mang lại sự sống.”./.