Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ làm việc với Cơ quan GESDA

Tại buổi làm việc, lãnh đạo GESDA bày tỏ mong muốn tăng cường với các nhà ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và ASEAN nhằm tìm kiếm giải pháp khoa học công nghệ về phòng chống dịch.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ làm việc với Cơ quan GESDA ảnh 1Đại sứ Lê Linh Lan và Đại sứ các nước ASEAN thăm và làm việc tại GESDA, Thụy Sĩ. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan cùng Đại sứ các nước ASEAN tại Bern (ACB) ngày 29/7 đã đến thăm và làm việc tại Cơ quan dự báo Khoa học và Ngoại giao Geneva (GESDA).

Đây là sáng kiến của Chính phủ Thụy Sĩ nhằm xây dựng một cơ quan dự báo đầu tiên kết nối cộng đồng khoa học và ngoại giao giúp củng cố vai trò và vị thế của Thụy Sĩ là một trong những trung tâm hàng đầu trong quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương.

Tại buổi làm việc, ban lãnh đạo GESDA đã chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như khó khăn thách thức trong tổ chức, triển khai mạng lưới nghiên cứu hiện nay.

Trước hết, GESDA đã tổ chức lại và phân chia đội ngũ chuyên gia của mình thành 4 nhóm cộng đồng chính, bao gồm nhóm nghiên cứu học thuật từ trường đại học, nhà xuất bản, mạng lưới chuyên gia khoa học công nghệ; nhóm các nhà ngoại giao từ các quốc gia, tổ chức khu vực, quốc tế, chính trị gia, chuyên gia hoạch định chính sách; nhóm các nhà đầu tư có ảnh hưởng từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, công ty tài chính, tổ chức từ thiện, công ty đa quốc gia; nhóm phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ, các nhà hoạt động xã hội, tổ chức phi chính phủ.

GESDA gọi đây là “Phòng thí nghiệm của thế giới và dành cho thế giới.”

[ĐSQ Việt Nam tăng cường hợp tác với Đại học FHNW ở Thụy Sĩ]

Với sự tập hợp của nhiều nhóm chuyên gia có tư duy và cách tiếp cận đa dạng, các dự án do GESDA khởi xướng đã đưa ra phân tích, dự báo về những thách thức toàn cầu, tìm kiếm giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội, từ đó thu hút sự hỗ trợ về kinh phí, nguồn lực của các đối tác, các tổ chức quốc tế có trụ sở đặt tại Geneve và nhiều nơi trên thế giới.

Sự ra đời của GESDA đã góp phần củng cố vị thế của Geneva là trung tâm về khoa học, đổi mới sáng tạo, trung tâm thảo luận về tương lai của chủ nghĩa đa phương và các công cụ ngoại giao đa phương đối với cộng đồng ngoại giao trên thế giới, phục vụ đắc lực cho Chiến lược Ngoại giao số của Thụy Sĩ.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc, Đại sứ Lê Linh Lan đã phát biểu và đánh giá cao về tầm nhìn toàn cầu của GESDA trong việc tập hợp, kết nối sự tham gia của các nhà ngoại giao, các chuyên gia khoa học hàng đầu quốc tế, GESDA đã tận dụng tốt lợi thế của thành phố Geneva, nơi có nhiều tổ chức đa phương nhằm kết nối các quan hệ đối tác quốc tế mới.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay, lĩnh vực khoa học công nghệ và ngoại giao ngày càng đóng vai trò quan trọng khi các quốc gia, các tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc đặc trị COVID-19.

Tại buổi làm việc, ban lãnh đạo GESDA bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các nhà ngoại giao, các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam, các quốc gia ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế nhằm tìm kiếm các giải pháp về khoa học công nghệ để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay, đặc biệt là thách thức của đại dịch COVID-19.

GESDA, được Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Ignazio Cassis khởi xướng thành lập vào năm 2019, là một dự án có trụ sở tại thành phố quốc tế Geneva với tầm nhìn trở thành một dự án tầm cỡ toàn cầu có sự tham gia của các nhà khoa học và ngoại giao trên toàn thế giới.

Định hướng dài hạn của GESDA là dự báo được ảnh hưởng, tác động của những đột phá về khoa học trong vòng 5 năm, 10 năm và 25 năm tới đối với quản trị toàn cầu, đặc biệt là những thách thức toàn cầu, vấn đề mới nổi, chuyển hóa kết quả nghiên cứu thành giải pháp mang tính toàn cầu dựa trên sự phân tích đồng bộ từ hai góc độ khoa học xã hội và khoa học tự nhiên.

GESDA đồng thời là nơi thu hút, tập hợp sự tham gia của các nhà ngoại giao, các chuyên gia hàng đầu của Thụy Sĩ và quốc tế trong nhiều lĩnh vực, đưa công nghệ tiên tiến phục vụ mục tiêu phát triển, thúc đẩy đột phá về khoa học công nghệ và ứng dụng của tiến bộ khoa học công nghệ trong việc định hình quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục