Ngày 27/1, trả lời phỏng vấn trực tuyến của phóng viên TTXVN tại Moskva, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết Đại sứ quán luôn theo dõi sát sao tình hình hiện nay và ưu tiên quan tâm tới cộng đồng người Việt tại Ukraine. Đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch, trong bối cảnh thông tin về tình hình miền Đông Ukraine còn nhiều nhiễu loạn, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn duy trì tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp hoặc trực tuyến, với hầu hết cộng đồng người Việt trên toàn Ukraine, ngoại trừ một phần cộng đồng ở Donetsk chưa tiếp cận được.
Qua theo dõi sát và đánh giá tình hình ở Ukraine, Đại sứ quán nhận thấy chưa có dấu hiệu đáng lo, hoạt động kinh tế vẫn có thể diễn ra bình thường.
Đại sứ quán vẫn tổ chức rất nhiều hoạt động để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ukraine. Đại sứ kêu gọi cộng đồng người Việt không lo lắng thái quá, cần giữ bình tĩnh và ổn định tâm lý để làm ăn, duy trì các hoạt động kinh tế vì đây chính là lợi ích trước tiên của cộng đồng.
[Thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Ukraine]
Về tình hình tại Ukraine, Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch dẫn tuyên bố từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, khẳng định tình hình không thực sự căng thẳng như thông tin một số cơ quan truyền thông phương Tây đưa tin. Việc một số quốc gia rút nhân viên ngoại giao về nước là hành động quá cẩn trọng.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch nêu rõ Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đang theo dõi rất sát và nhận thấy tình hình không quá căng thẳng đến mức có thể xảy ra chiến tranh; các nước liên quan đang tiến tới đàm phán; mọi nỗ lực ngoại giao vẫn đang diễn ra thông qua các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc giữa các nhà ngoại giao, như cuộc gặp vừa qua ở Geneva.
Ông nhấn mạnh đây là đánh giá mà Đại sứ quán thực hiện với tất cả tinh thần và trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng người Việt Nam ở Ukraine và thông qua trao đổi thường xuyên với các nhà ngoại giao các nước khác.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho rằng các nhà ngoại giao đều tính đến lợi ích của mỗi bên và vẫn duy trì cầu nối để tiếp tục đàm phán, từ đó đi đến thỏa hiệp nhằm giải quyết vấn đề./.