Theo phóng viên TTXVN tại Washington, nhận lời mời của Chủ tịch Ủy ban Thương mại Khẩn cấp Hoa Kỳ (ECAT), Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh mới đây đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Hội đồng thành viên ECAT.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu bật sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đặc biệt là quan hệ kinh tế-thương mại song phương, cũng như về triển vọng và ý nghĩa của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam.
Trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1995-2015), Đại sứ Phạm Quang Vinh đã điểm lại những dấu mốc và thành tựu quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ hơn nửa thế kỷ qua, từ đối đầu trong chiến tranh nay đã trở thành bạn, đối tác toàn diện.
Một trong những điểm sáng và động lực chính thúc đẩy sự hàn gắn, bang giao giữa hai nước chính là quan hệ thương mại, đầu tư. Trong vòng hai thập kỷ, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 70 lần, lên 36 tỷ USD. Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy vào Việt Nam với tổng số vốn trên 13 tỷ USD.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu bật ý nghĩa chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư và Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng và hai bên đã ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đề ra phương hướng làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có thương mại, đầu tư, TPP.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, chứng kiến lễ ký kết 4 văn kiện hợp tác giữa hai chính phủ (trong đó 3 văn kiện về kinh tế) cùng 10 thỏa thuận giữa doanh nghiệp hai nước, gặp gỡ với 250 đại diện các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ và dự Lễ bàn giao máy bay Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên của công ty Boeing cho Vietnam Airlines. Những nội dung đó của chuyến thăm cho thấy sức sống và đà phát triển quan hệ thương mại, đầu tư sôi động giữa hai nước.
Liên quan đến TPP, vấn đề thời sự được Hội nghị đặc biệt quan tâm, Đại sứ Phạm Quang Vinh chia sẻ các đánh giá và trả lời nhiều câu hỏi của các vị đại biểu. Về tầm quan trọng của TPP, Đại sứ nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của Hiệp định này đối với các nước thành viên và cả khu vực, vượt ra ngoài phạm vi kinh tế, thương mại, góp phần tăng cường quan hệ của Hoa Kỳ với châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, trên cơ sở đối tác cùng có lợi, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Về quyết tâm của Việt Nam đối với TPP, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định Việt Nam đã và sẽ cùng các nước tham gia nỗ lực sớm kết thúc đàm phán TPP và cam kết triển khai nghiêm túc Hiệp định này sau khi được tất cả các bên thông qua.
Trước nhận xét rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh TPP đem lại lợi ích và cơ hội cho tất cả các thành viên, và cả khu vực lòng chảo Thái Bình Dương nói chung.
Là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong số 12 thành viên, tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, tăng việc làm và thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, TPP cũng mang đến không ít thách thức, rõ nhất là nguy cơ doanh nghiệp trong nước không đủ sức cạnh tranh, không tận dụng được cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, thậm chí có thể sẽ phải thua thiệt thị phần ngay trên "sân nhà," ảnh hưởng công ăn việc làm của người lao động. Do đó, cần tạo ra các cơ chế phù hợp bảo đảm rằng các bên tham gia TPP thực hiện đầy đủ các thỏa thuận và cùng được hưởng lợi.
Khi được hỏi về thách thức đối với Việt Nam trong việc cải cách, sửa đổi nội luật khi tham gia TPP, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định không phải đến lúc này mà Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới trong gần 30 năm qua. Theo đó, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đến nay đã tham gia các cơ chế thương mại tự do với khoảng 50 đối tác, trong đó có 15 nước thành viên G20, chưa kể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu có hiệu lực kể từ cuối năm 2015.
Trong quá trình đó, Việt Nam cũng đã và đang tiến hành cải cách cơ cấu kinh tế trong các lĩnh vực như chi tiêu công, doanh nghiệp nhà nước, tài chính-ngân hàng, tạo đột phá trong 3 khâu then chốt là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đáng chú ý là những biện pháp đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước và tài chính-ngân hàng đã bắt đầu phát huy kết quả tích cực đối với nền kinh tế.
Ở phạm vi rộng hơn về mọi mặt của đời sống xã hội, sau khi Hiến pháp mới được thông qua năm 2013, Việt Nam cũng đang tích cực xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp luật cho phù hợp với những điều chỉnh trong Hiến pháp.
Trong bức tranh tổng thể đó, việc tham gia TPP và điều chỉnh nội luật khi tham gia TPP là một phần trong lộ trình cải cách và hội nhập mà Việt Nam đã và đang tiến hành. Những bước điều chỉnh cụ thể về thể chế, luật pháp cần phải thực hiện một cách đúng đắn và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá cao vai trò và sự ủng hộ của ECAT đối với thương mại quốc tế tự do và công bằng, đặc biệt là quá trình đàm phán TPP cũng như trong hợp tác hai nước. Đại sứ kêu gọi ECAT và các doanh nghiệp thành viên tiếp tục tăng cường hợp tác, đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư song phương, qua đó đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam và quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ./.